Khí thải nhà kính là “thủ phạm” chính gây ra tình trạng biến đổi khí hậu (BĐKH), kèm theo các hiện tượng thời tiết cực đoan. Thay đổi thói quen sinh hoạt, tránh lãng phí thực phẩm... nghĩa là mọi người đang góp phần lớn trong việc giảm khí thải nhà kính, chống BĐKH.
Theo Chương trình Lương thực thế giới của Liên hiệp quốc, thất thoát và lãng phí thực phẩm là vấn đề nghiêm trọng trên toàn cầu, đặc biệt trong thời điểm hiện tại trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Kết quả nghiên cứu cho thấy 1/3 lượng thực phẩm sản xuất phục vụ nhu cầu của con người trên toàn cầu bị thất thoát hoặc lãng phí. Đây là một tổn thất to lớn và khủng khiếp trong bối cảnh số người phải đối mặt với tình trạng đói, thiếu ăn nghiêm trọng.
Để sản xuất lượng thực phẩm bị thất thoát và lãng phí này, chúng ta phải sử dụng 1/4 tổng lượng nước dùng cho nông nghiệp toàn cầu, canh tác trên một diện tích bằng diện tích của Trung Quốc và tạo ra 8% lượng khí thải nhà kính toàn cầu.
Các nguồn lực tự nhiên này đã bị lãng phí một cách không thể chấp nhận, gây nhiều áp lực không cần thiết lên trái đất. Khoảng 1/3 tổng số thực phẩm được sản xuất phục vụ nhu cầu của con người bị thất thoát hoặc lãng phí trong quá trình từ nông trại đến bàn ăn, chủ yếu do người tiêu dùng vứt bỏ sau khi mua, thất thoát trong quá trình thu hoạch, chế biến và vận chuyển. Điều này khiến tình trạng mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng càng thêm trầm trọng.
Theo khảo sát của Công ty CEL Consulting, tại các vùng nông nghiệp lớn của Việt Nam, trong quý 1-2018, trung bình 1/4 lượng thực phẩm sản xuất bị thất thoát trước khi đến được nhà máy chế biến hoặc trung tâm phân phối. Tổng thiệt hại ước tính 8,8 triệu tấn, tương đương 3,9 tỷ USD (2% GDP Việt Nam hay 12% GDP ngành nông nghiệp Việt Nam).
Trong đó, tỷ lệ thất thoát ở nhóm rau quả là cao nhất, chiếm khoảng 32% sản lượng, tương đương 7,3 triệu tấn/năm. Ở nhóm thịt, tỷ lệ thất thoát tới 14%, tương đương khoảng 694.000 tấn/năm. Nhóm cá và thủy sản có tỷ lệ thất thoát khoảng 12%, tương đương 804.000 tấn/năm.
Các chuyên gia khuyến cáo, việc sử dụng hợp lý thực phẩm không chỉ góp phần đảm bảo an ninh lương thực mà còn là giải pháp để tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên. Nếu mọi người trên thế giới có ý thức hơn trong việc gìn giữ, bảo quản lương thực thực phẩm, giảm lượng hàng hóa bị lãng phí sẽ giúp hàng triệu người không bị đói. Hạn chế tối đa sự lãng phí lương thực không chỉ cải thiện hệ thống cung cấp nước, tăng hiệu quả sử dụng hệ sinh thái, mà còn tạo nhiều cơ hội cho doanh nghiệp hướng tới phương thức sản xuất - tiêu dùng bền vững, lành mạnh hơn.
Các quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp, nhà sản xuất và người tiêu dùng cùng hợp tác, vận động mọi người tránh lãng phí thực phẩm; giảm các hoạt động sản xuất lương thực thực phẩm gây hại cho môi trường; thực hiện tiêu dùng bền vững; sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách hài hòa, hợp lý; sử dụng sản phẩm được sản xuất theo quy trình, công nghệ thân thiện với môi trường.
BĐKH đang là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại, có tác động bất lợi nhiều lĩnh vực đời sống trên quy mô toàn cầu, khu vực và quốc gia. BĐKH không chỉ khiến nhiệt độ tăng và nước biển dâng, mà còn khiến các hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan biến động mạnh hơn cả về không gian và thời gian, tần suất nhiều hơn và diễn biến bất thường hơn. Ở chiều ngược lại, các hoạt động sinh hoạt, sản xuất kinh doanh của con người đã và đang ảnh hưởng đến bầu khí quyển, gây hiệu ứng nhà kính và góp phần làm BĐKH.
Để giảm thiểu tác động của BĐKH, con người cần thay đổi thói quen tiêu dùng và sinh hoạt của mình bằng những hoạt động cụ thể như tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, tiêu thụ thực phẩm… Mỗi cá nhân, tổ chức cùng chung tay thay đổi, chắc chắn môi trường sẽ được thay đổi. Những hành động nhỏ này sẽ lại mang ý nghĩa rất lớn trong “cuộc chiến” chống BĐKH hiện nay.