“Bao trùm lên nghị quyết là đánh giá thành quả quan trọng, nhưng cũng vạch ra khiếm khuyết. Trong thu hút FDI, có hai điều quan trọng là số lượng vốn và chất lượng vốn, đã đến lúc chúng ta phải coi chất lượng là quan trọng nhất” - GS Nguyễn Mại phân tích.
Theo ông, năm 2018 - 2019, Bộ Chính trị đã ban hành tới 3 nghị quyết quan trọng về kinh tế tư nhân; doanh nghiệp nhà nước và bây giờ là về đầu tư nước ngoài. Vấn đề đáng chú ý nhất trong Nghị quyết 50 là rà soát yếu tố an ninh quốc phòng trong các dự án. GS Nguyễn Mại thẳng thắn: “Nghị quyết này của Bộ Chính trị không nói nhiều, mà chỉ nhắc việc rà soát đến an ninh quốc phòng, bởi Việt Nam từ trước đến nay đã có rất nhiều nghị quyết về an ninh quốc phòng trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội nói chung. Tôi khẳng định, trên thế giới, không nước nào không gắn hoạt động đầu tư với hoạt động gián điệp để khai thác thông tin từ các nước rồi làm lợi cho quốc gia mình. Gần đây, Huawei của Trung Quốc và cách ứng xử của Mỹ là câu chuyện điển hình. Đây không chỉ là chuyện riêng của doanh nghiệp mà là an ninh giữa hai quốc gia. Những nước có vấn đề biên giới, hải đảo với chúng ta thì không thể để họ thực hiện các dự án có ảnh hưởng và nguy cơ đến an ninh quốc phòng”.
Nhấn mạnh rằng những nhà đầu tư chân chính, có chiến lược đầu tư rõ ràng, muốn tìm kiếm lợi nhuận và gắn bó với Việt Nam lâu dài thì “không sợ gì cả”, GS Nguyễn Mại kiến nghị một số giải pháp quan trọng trong hậu kiểm các dự án. Theo ông, hiện Việt Nam còn thiếu rất nhiều định mức, tiêu chuẩn quốc gia, cần sớm bổ sung, hoàn thiện. Thứ hai, cần tăng cường công tác thanh tra, giám sát (cả con người lẫn công nghệ) tránh để xảy ra tình trạng thảm họa môi trường như đã xảy ra ở miền Trung trong vụ việc Formosa.
Liên quan đến các cảnh báo về đầu tư Trung Quốc núp bóng Việt Nam trong lĩnh vực bất động sản và các ngành sản xuất có thế mạnh xuất khẩu, GS Nguyễn Mại cho rằng, cần có sự phân biệt rõ ràng để đảm bảo công bằng với nhà đầu tư Trung Quốc. “Nhiều khi lợi ích của doanh nghiệp khác với lợi ích của quốc gia. Ví dụ, ngay từ khi Mỹ chưa dỡ bỏ cấm vận Việt Nam, khá nhiều doanh nghiệp nước này thông qua doanh nghiệp thứ ba đầu tư làm ăn ở Việt Nam. Ở Trung Quốc hiện nay cũng vậy, nhiều doanh nghiệp lớn của họ khó khăn ở trong nước, muốn tránh và chọn Việt Nam. Vấn đề của chúng ta lúc này là lựa chọn và giám sát lựa chọn. Riêng câu chuyện đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông là phải tự trách mình, không ai bắt vay vốn Trung Quốc rồi cho họ chọn nhà thầu Trung Quốc, hoãn đi hoãn lại bao nhiêu lần, rồi tháng 4-2019 khai trương mà đến nay vẫn chưa thấy đâu cả”, GS Nguyễn Mại thẳng thắn bình luận.
Vẫn theo GS Nguyễn Mại, khác với thời điểm những năm 1990, khi thế giới ví Việt Nam như “cô gái đẹp ngủ trong rừng”, hiện nay vị thế của Việt Nam đã hoàn toàn khác. Trong ASEAN, từ một nước đối lập với phần còn lại; từ chỗ nước kém phát triển, dần dần chúng ta đã có vị thế đáng nể trọng. Mối quan hệ của Việt Nam với Mỹ thay đổi rất nhanh, Mỹ vừa xóa thuế nhập đối với tôm của Việt Nam vào nước này về 0%. Giá trị cổ phiếu của doanh nghiệp thủy sản tăng rất nhanh. “Đặc biệt, tuy Mỹ không tham gia CPTPP nhưng hiện họ đang muốn đàm phán riêng về một hiệp định thương mại tự do song phương mới với Việt Nam thay Hiệp định Thương mại Việt Nam - Mỹ (BTA). Mỹ coi Việt Nam là đối tác chiến lược ở châu Á - Thái Bình Dương”, Chủ tịch VAFIE nói và không quên nhắc đến việc 2 vị đại tướng của Mỹ mới đây có mặt ở Hà Nội để thể hiện thái độ ủng hộ Việt Nam... Với EU, năm 2020, Hiệp định EVFTA với EU sẽ bắt đầu thực hiện với việc 70% - 72% hàng hóa có mức thuế về 0%. EU và Mỹ sẽ mở rộng đầu tư vào Việt Nam và Việt Nam kỳ vọng sẽ hút được vốn mới từ các nước phát triển.
Để Nghị quyết 50 nhanh chóng đi vào cuộc sống, GS Nguyễn Mại dẫn lại câu nói của một giáo sư Việt kiều Mỹ mà tâm đắc: “Hình như người Việt không coi trọng thời gian”. “Dù chúng ta có câu thời gian là vàng, là bạc nhưng trên thực tế các công việc cứ thực hiện 5 ngày cũng được, 10 ngày cũng được, một tháng cũng chẳng sao. Sau nghị quyết này, phải thay đổi rất nhanh chóng về thể chế kinh tế, các khâu về quản lý nhà nước. Nếu để thời gian trôi đi thì dù có bao nghị quyết cũng không có hiệu quả. Nếu chúng ta không thay đổi kiểu xếp hàng thông qua luật như hiện nay thì rất nguy hiểm”, GS Nguyễn Mại lo lắng.