Do đó, việc đầu tư thay đổi công nghệ xử lý chất thải sinh hoạt từ chôn lấp sang đốt rác phát điện đang là yêu cầu cấp bách.
Cách đây 10 năm, Đồng Nai quy hoạch các dự án xử lý nước thải cho nhiều khu đô thị lớn ở TP Biên Hòa, Long Khánh, các huyện Trảng Bom, Long Thành, Nhơn Trạch với vốn đầu tư lên đến hàng triệu USD, nhưng chưa phát huy hiệu quả. Riêng TP Biên Hòa vừa hoàn thành 1 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt, công suất khoảng 3.000m3/ngày, nhưng hiện chưa có hệ thống ống thu gom nước thải.
Theo thống kê, mỗi ngày, tỉnh Đồng Nai có hơn 25.000m3 nước thải sinh hoạt chưa được xử lý đạt chuẩn xả ra kênh rạch, sông suối gây ô nhiễm cục bộ. Còn tại khu xử lý chất thải Xuân Tâm (huyện Xuân Lộc), chủ đầu tư muốn tạm ngưng tiếp nhận rác để hoàn thiện hạ tầng dây chuyền phân loại, sản xuất phân compost, các thủ tục về môi trường, nhưng quá trình sản xuất có vi phạm, bị xử phạt 35 tỷ đồng nên không còn khả năng để tiếp tục đầu tư.
Nhà máy xử lý chất thải nguy hại, chất thải công nghiệp và chất thải thông thường tại xã Xuân Mỹ (huyện Cẩm Mỹ) diện tích hơn 19ha, công suất xử lý rác sinh hoạt 87 tấn/ngày, rác nguy hại 90 tấn/ngày và rác công nghiệp thông thường 612 tấn/ngày được khởi công vào năm 2011, nhưng lò đốt đang tạm dừng vì không có hệ thống quan trắc khí thải tự động theo quy định, vi phạm về xả khí thải ra môi trường. Còn khu liên hiệp xử lý chất thải rắn sinh hoạt - công nghiệp - nguy hại tại xã Bàu Cạn (huyện Long Thành) công suất xử lý được duyệt quy mô 200 tấn/ngày, nhưng chỉ xử lý chất thải công nghiệp thông thường khoảng 50 tấn/ngày, xử lý chất thải nguy hại rất hạn chế, chỉ khoảng 9,9 tấn/ngày (chủ yếu của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).
Đồng Nai có 5 dự án đốt rác phát điện mới đăng ký bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, trong đó có 2 nhà máy điện rác công suất lớn là Doxaco quy mô 900 tấn/ngày (huyện Vĩnh Cửu) và Nhà máy đốt chất thải rắn phát điện tỉnh Đồng Nai quy mô 1.000 tấn/ngày (huyện Vĩnh Cửu). Đồng thời, nhiều doanh nghiệp xử lý rác sinh hoạt xin tăng công suất để chuyển sang công nghệ đốt rác phát điện là khu xử lý chất thải Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu), khu xử lý chất thải Đa Lộc (huyện Định Quán).
Hiện các dự án xử lý rác sinh hoạt tại Đồng Nai phải thu hồi đất của người dân và khâu bồi thường giải phóng mặt bằng ì ạch do vướng giá đất bồi thường, gây khó khăn cho nhà đầu tư. Ngoài việc ưu tiên nguồn vốn đầu tư công để triển khai các dự án xử lý nước thải sinh hoạt, Đồng Nai cần mời gọi các nhà đầu tư tiềm lực cả trong và ngoài nước tham gia đầu tư để giải quyết xử lý nguồn rác thải sinh hoạt đang gia tăng nhanh chóng.