Dẫn số liệu từ các cơ quan quản lý nhà nước, đại diện nhóm nghiên cứu của VEPR cho biết, bất chấp tác động bất lợi của đại dịch Covid-19, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - EU sau 1 năm EVFTA đi vào thực thi đạt 54,87 tỷ USD, tăng 12,1% so với giai đoạn cùng kỳ, với kim ngạch xuất khẩu đạt 38,48 tỷ USD, tăng 11,3% và kim ngạch nhập khẩu đạt 16,39 tỷ USD, tăng 14,04%.
Quan trọng hơn, Việt Nam đã ghi tên mình vào tốp 15 đối tác thương mại lớn nhất của EU. Xét riêng về hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào EU, Việt Nam đã vượt qua Ấn Độ để chiếm vị trí thứ 10 trong các thị trường lớn nhất (chiếm 1,23% tổng nhập khẩu của EU).
Tuy nhiên, phân tích kỹ hơn về cơ cấu mặt hàng, nhóm nghiên cứu nhận định, phần lớn “thành tích” tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam thời gian qua là nhờ biến động giá sắt thép thành phẩm. Kim ngạch xuất khẩu tăng chậm hơn kim ngạch nhập khẩu và nếu bóc tách riêng khoảng thời gian từ 1-8-2020 đến 1-8-2021 thì khoảng cách này còn lớn hơn nữa (6,6% so với 22%). Mặc dù còn chưa đủ dữ liệu để đánh giá toàn diện về xu thế nhập siêu với EU (vì nhập siêu với EU có thể làm giảm nhập siêu từ thị trường khác), nhưng đây cũng là tín hiệu cần theo dõi thận trọng.
Trong khi đó, lợi thế người đi trước của Việt Nam trong mối quan hệ thương mại với EU sẽ giảm dần theo thời gian (hiện nay trong khối ASEAN chỉ có Singapore và Việt Nam ký kết FTA với EU), bởi các nước trong khu vực, với cơ cấu hàng hóa, sản phẩm khá tương đồng với Việt Nam, cũng sẽ xúc tiến ký kết FTA với EU. Bên cạnh đó, Việt Nam dường như đang thực hiện chính sách “hái táo thấp”, nghĩa là thực hiện những thay đổi dễ trước và chấp nhận những lợi ích chưa tương xứng với tiềm năng. Như thế, càng về sau chúng ta sẽ càng phải đối diện với những thách thức lớn hơn - giống như muốn hái táo càng trên cao càng khó. Có thể kể đến một vài thách thức lớn chưa được giải quyết hiệu quả: khung khổ pháp luật và việc thực thi các quy định về sở hữu trí tuệ; quyền của người lao động; bảo vệ môi trường… Đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng là một thách thức rất lớn khác và trong vấn đề này không thể không nhắc đến một thực tế không vui là Việt Nam chưa được EU gỡ thẻ vàng thủy sản (IUU)…
Theo nguồn tin từ Bộ Công thương, số liệu tham khảo tiềm năng xuất khẩu của Tổ chức Thương mại thế giới ước tính, thị trường EU còn tới 49% dung lượng mà Việt Nam có thể khai thác. Trong đó, nhóm công nghiệp chế biến còn 35-60% chưa khai thác và nhóm nông sản thực phẩm còn có thể khai thác từ 35-90%, tùy theo sản phẩm cụ thể. Rõ ràng triển vọng phục hồi kinh tế, phát triển quan hệ thương mại và đầu tư Việt Nam - EU rất sáng sủa, vấn đề chính là khả năng chinh phục những “trái táo cao” của Việt Nam.
Giải pháp trước mắt, các cơ quan quản lý nhà nước phải xây dựng được các kịch bản phù hợp để thích ứng linh hoạt và hiệu quả với tình hình mới. Về lâu về dài cần hoàn thiện khung khổ pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư, đặc biệt chú trọng hơn các vấn đề có liên quan đến người lao động; đồng thời tạo lập các mối liên kết hiệu quả giữa khu vực công với khu vực tư, bao gồm cả chia sẻ thông tin. Về phần các doanh nghiệp, cũng phải nỗ lực nhiều hơn nữa để nâng cao chất lượng sản phẩm, chủ động, tích cực tham gia vào các chuỗi giá trị, như Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại EU Nguyễn Văn Thảo từng ví von, “một trận cầu chỉ hay khi có những cầu thủ giỏi”.