Thực tế cho thấy hầu như các công trình, dự án ở các địa phương khi thực hiện GPMB đều gặp khó khăn, vướng mắc như xác định nguồn gốc đất, giá đất, đơn giá tài sản, vật kiến trúc, cây cối… để tính bồi thường. Và khi các vướng mắc này không được tháo gỡ kịp thời thì thường xảy ra khiếu nại, hậu quả làm gián đoạn tiến độ thực hiện dự án.
Việc gián đoạn dự án không những khiến dự án kéo dài, chậm được đưa vào sử dụng mà còn làm phát sinh rất nhiều chi phí. Những gì đã, đang xảy ra ở nhiều công trình chậm tiến độ cho thấy chi phí phát sinh này có thể lên tới hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỷ đồng. Đó là chưa kể những bất ổn xã hội có thể nảy sinh nếu người dân không đồng thuận với chi phí đền bù và không chịu di dời.
Quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề đền bù, GPMB rất nhất quán, xuyên suốt, đó là: phải đền bù theo giá thị trường với mục tiêu người dân phải di dời có cuộc sống tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ. Tuy nhiên, do ở nhiều địa phương công tác đền bù, GPMB tiến hành chưa sâu sát, chưa xây dựng được giá đền bù sát với thị trường, thủ tục tiến hành còn chậm, khiến cho giá đền bù có khi vừa xác lập xong đã lạc hậu so với thị trường. Do đó, giải pháp cho vấn đề này, trước hết, chính là khắc phục tồn tại đã nêu.
Tại TPHCM, công tác đền bù, GPMB ở Dự án thành phần 1A, đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch giai đoạn 1 (thuộc đường Vành đai 3 TPHCM) đã được UBND TPHCM nhận định là kiểu mẫu. Kinh nghiệm được rút ra là địa phương rà soát, lập và chuẩn bị hồ sơ thu hồi đất trong ranh dự án một cách đầy đủ để có thể nhanh chóng ký duyệt hệ số điều chỉnh đất, quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư trong một ngày; hỗ trợ và tái định cư theo hình thức đa dạng để người dân có đất bị thu hồi lựa chọn; đặc biệt, việc bồi thường sát giá thị trường đã nhanh chóng nhận được sự đồng thuận lớn từ phía người dân (đạt gần 90%).
Mới chỉ là những động thái mang tính kỹ thuật chuẩn mà đã tạo ra kết quả tốt như vậy, nếu thay đổi cách tiếp cận, kết hợp thêm các giải pháp mang tính xã hội, hiệu quả mang lại chắc chắn cao hơn nhiều. Khi đền bù, GPMB, các cơ quan chức năng thường kêu gọi người dân phải di dời nên “hy sinh” vì lợi ích chung. Điều này không sai nhưng chưa đủ! Ở chiều ngược lại, chính cộng đồng cần có thái độ trân trọng, cảm ơn những hy sinh của những người dân phải rời xa mảnh vườn, mái nhà thân quen của mình. Thái độ này nên được cụ thể hóa bằng những chính sách hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần cho người phải di dời. Bên cạnh việc đền bù nhà, đất theo giá thị trường, rất cần thêm khoản tiền hỗ trợ di dời, tạo dựng lại cuộc sống… Số tiền hỗ trợ có thể làm chi phí đền bù GPMB tăng lên, nhưng so với chi phí phát sinh do công tác GPMB bị chậm trễ thì chi phí hỗ trợ đó vẫn là vô cùng nhỏ.
TPHCM đang chuẩn bị xây dựng hàng loạt công trình hạ tầng kỹ thuật như đường Vành đai 3 TPHCM, đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài… Để các công trình đảm bảo tiến độ, nhất định phải tháo được nút thắt trong công tác đền bù, GPMB. Và việc thay đổi cách tiếp cận trong GPMB, hỗ trợ ngay từ đầu cho người dân phải di dời chắc chắn sẽ tạo được sự đồng thuận lớn hơn, giảm chi phí cơ hội, giảm lãng phí, giảm bức xúc, tăng hiệu quả khi triển khai các dự án, công trình.