Thầy cô, nhà trường quan tâm đến hạnh phúc của học trò thì bạo lực học đường sẽ giảm dần

Phòng chống bạo lực học đường (BLHĐ) thì phòng là chính, không để cứ đến khi sự cố xảy ra mới chống. Quan điểm này được ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến đảm bảo an ninh, an toàn trường học, phòng chống bạo lực học đường.

Hội nghị trực tuyến với 20.000 đại biểu tham dự
Hội nghị trực tuyến với 20.000 đại biểu tham dự

Hội nghị trực tuyến đảm bảo an ninh, an toàn trường học, phòng chống bạo lực học đường (BLHĐ) đã được Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 17-4 với sự tham dự của gần 20.000 đại biểu trong và ngoài ngành, các nhà khoa học, chuyên gia giáo dục và tâm lý, đại diện các bộ ngành địa phương. Hội nghị được truyền trực tuyến đến tận các phòng GD-ĐT trong toàn quốc.

Phần lớn các em học sinh liên quan đến bạo lực học đường bị ảnh hưởng bởi gia đình

Báo cáo về kế hoạch phòng chống BLHĐ của ngành giáo dục trong thời gian tới, ông Bùi Văn Linh - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên, (Bộ GD-ĐT) cho biết: Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống BLHĐ. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 2 quyết định, 1 chỉ thị liên quan đến nội dung này. Bộ GD-ĐT ban hành theo thẩm quyền 25 văn bản, gồm các thông tư, quyết định, chỉ thị, các văn bản chỉ đạo điều hành và văn bản hành chính khác về phòng chống BLHĐ.

Có thể nói, hệ thống văn bản quy phạm, chỉ đạo trong vấn đề này là chặt chẽ, đầy đủ, kịp thời, đủ hành lang pháp lý để các cơ sở giáo dục trong toàn quốc bảo đảm tốt an ninh, an toàn trường học; bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống BLHĐ…

Thầy cô, nhà trường quan tâm đến hạnh phúc của học trò thì bạo lực học đường sẽ giảm dần ảnh 1 Ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên phát biểu tại hội nghị
“Tuy nhiên, thời gian qua tình trạng BLHĐ vẫn diễn biến phức tạp ở một số địa phương, cơ sở giáo dục, cá biệt có một số vụ việc BLHĐ nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần học sinh, môi trường giáo dục và gây lo lắng, bức xúc trong dư luận xã hội”, ông Bùi Văn Linh thừa nhận.
Những ý kiến đến từ các cơ sở giáo dục, các Sở GD-ĐT, các địa  phương cũng thừa nhận thực tế này và cho rằng, nguyên nhân gia tăng BLHĐ là do mặt trái của nền kinh tế thị trường và quá trình hội nhập; sự bùng nổ mạng xã hội; sự buông lỏng của giáo dục gia đình, sự thay đổi nhanh chóng về tâm sinh lý của học sinh. Một số nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục chưa đáp ứng yêu cầu về phẩm chất, năng lực.

Môi trường giáo dục ở một số gia đình chưa thực sự lành mạnh, phần lớn các em học sinh liên quan đến các vụ BLHĐ thường bị ảnh hưởng bởi yếu tố gia đình, như khó khăn về kinh tế, bố mẹ ly thân, ly hôn, mồ côi, đi làm ăn xa.

Phương pháp giáo dục con không đúng, quá nuông chiều hoặc ngược đãi đã ảnh hưởng, tác động tiêu cực đến quá trình hình thành nhân cách của học sinh, làm cho các em có những suy nghĩ, hành vi tiêu cực, lệch chuẩn dễ vi phạm pháp luật. Nhiều bậc cha mẹ còn khoán trắng việc quản lý, giáo dục con em cho nhà trường, thiếu sự phối hợp với nhà trường trong việc quan tâm, theo dõi, chăm sóc và giáo dục học sinh.

Bên cạnh đó, sự thay đổi nhanh chóng về tâm sinh lý của các em học sinh dẫn đến dễ bị tác động bởi các yếu tố ngoại cảnh. Các em hiếu động và luôn muốn khẳng định mình; một số em chưa được trang bị đầy đủ kỹ năng sống cơ bản để thích nghi với đời sống kinh tế - xã hội có nhiều thay đổi dẫn đến hành vi bột phát, thiếu kiểm soát, thiếu chuẩn mực, ý thức chưa tốt; các em chưa ý thức được những ảnh hưởng xấu, hậu quả của những hành vi mình gây ra cho người khác, bản thân và xã hội.

Được coi là một tiếng nói từ cơ sở, thầy ông Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) cho rằng BLHĐ là vấn đề tâm lý học sinh, tâm lý lứa tuổi, chứ không nên đặt nặng vấn đề đạo đức nhà giáo, vì là vấn đề tâm lý nên giải pháp phải là vấn đề tâm lý giáo dục.

Đã làm hiệu trưởng hơn 20 năm, đã đau đầu nghĩ đủ cách để giải quyết vấn đề này, thầy Hòa cho rằng, cách tốt nhất là giúp cho giáo viên tự giải quyết vấn đề.

“Trường chúng tôi đã hơn 8 năm đưa vấn đề giá trị sống vào trường học, mỗi tiết 1 tuần, và đây là tiết học các con thích nhất, giúp thầy cô xử lý vấn đề của mình tốt hơn, trường học trở nên thân thiện hơn, học sinh hạnh phúc hơn. Nhờ đó, trường đã nâng được thương hiệu của mình. Học sinh được giáo dục kỹ năng sống, thực hành kỹ năng sống", thầy Hòa nhấn mạnh.

Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm có 3 mục tiêu: xây dựng trường học thân thiện, trò đến trường phải thấy hạnh phúc và tiến bộ, trò nào cũng được chăm sóc như nhau. Trường coi trọng tổ tư vấn tâm lý, giải quyết được rất nhiều vấn đề.

Từ thực tế đó, thầy Hòa đề xuất đưa giáo dục giá trị sống vào trường học, coi trọng tư vấn tâm lý học đường, mỗi thầy cô giáo phải là một nhà tư vấn tâm lý cho học trò. Cô giáo, nhà trường quan tâm đến hạnh phúc của học trò thì bạo lực sẽ giảm dần, sẽ không hết được nhưng từ chuyện to thành nhỏ, từ nhỏ thành không có gì. Đây là cách giải quyết hiệu quả trong vấn đề giải quyết BLHĐ.

Thầy cô, nhà trường quan tâm đến hạnh phúc của học trò thì bạo lực học đường sẽ giảm dần ảnh 2 Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, phòng chống BLHĐ cần phòng là chính

Cần lấy giáo dục, nêu gương làm chính, không nặng về phạt, răn đe

Phát biểu tại hội nghị, ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết, thời gian qua đã có nhiều văn bản quy định của pháp luật về xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống BLHĐ. Bộ GD-ĐT cũng có nhiều Thông tư liên quan cũng như những văn bản cá biệt, chỉ thị về nội dung này. Tuy nhiên, BLHĐ có xu hướng lan rộng, diễn biến ngày càng phức tap. Trong số các nguyên nhân được chỉ ra, có nguyên nhân do đặc điểm lứa tuổi, tác động mạnh mẽ của mạng xã hội và các tác động khác từ môi trường gia đình, xã hội...

“Xem nhẹ bất cứ một khâu nào trong nguyên lý nhà trường – gia đình – xã hội thì hiệu quả công tác phòng chống BLHĐ sẽ không cao”, người đứng đầu ngành giáo dục nói.

Quan điểm của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ là phòng chống BLHĐ thì phòng là chính, không để cứ đến khi sự cố xảy ra mới chống. Hội nghị lần này nhằm tập trung trao đổi, thảo luận các vấn đề, từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm, trước hết là trong thực thi các văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, thận thiện, an toàn, phòng chống BLHĐ, thống nhất các biện pháp, giải pháp và trách nhiệm triển khai các nhiệm vụ này, hướng tới thực hiện căn cơ, bài bản, lấy “phòng” làm chính bằng các giải pháp hóa giải nguyên nhân dẫn đến bạo lực.

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nhấn mạnh đến vai trò của hiệu trưởng nhà trường, thầy cô giáo chủ nhiệm, thầy cô giáo phụ trách đoàn, hội, đội.

“Các thầy cô phải trở thành nhà giáo dục, không phải “thợ dạy”. Cần lấy giáo dục, nêu gương làm chính, không nặng về phạt, răn đe” - Bộ trưởng nêu quan điểm

Nhấn mạnh vai trò vô cùng quan trọng của đội ngũ nhà giáo trong đẩy lùi BLHĐ, Bộ trưởng cho rằng, các trường sư phạm phải chú trọng ngay từ khâu đào tạo giáo viên, thầy cô phải có năng khiếu sư phạm, yêu nghề mến trẻ; chương trình đào tạo cho giáo viên cũng phải thay đổi để từng thầy cô phải coi phòng chống BLHĐ là nhiệm vụ của mình trong công tác giáo dục.

Tin cùng chuyên mục