Khi mới thành lập, Tu Mơ Rông là huyện miền núi đặc biệt khó khăn; dân số trên 27.000 người, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 95%, chủ yếu là dân tộc Xơ Đăng. Đây là vùng núi cao có địa hình phức tạp, thường bị chia cắt về mùa mưa, khí hậu khắc nghiệt, luôn phải đối mặt với thiên tai. Cơ sở hạ tầng về kinh tế - xã hội chưa phát triển, nhất là giao thông nông thôn vô cùng cách trở. Vào mùa mưa bão thường xảy ra sạt lở, con đường đến trường của học sinh hết sức gian khổ và phụ huynh cũng chưa quan tâm đến việc học hành của con em mình. Những yếu tố này khiến việc dạy và học gặp trở ngại. Tình trạng học sinh sáng đi học, trưa về nhà ăn cơm, chiều trốn học thường xuyên diễn ra. Những lúc học sinh nghỉ, giáo viên phải lặn lội xuống tận nhà để vận động phụ huynh đưa con đến trường.
Để giải quyết tình trạng học sinh nghỉ học, 2 năm qua, UBND huyện Tu Mơ Rông đã chỉ đạo Phòng GD-ĐT phối hợp với các trường huy động các nguồn lực để nấu ăn trưa miễn phí cho học sinh. Thời gian qua, Trường Tiểu học xã Đắk Hà, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum tổ chức nấu ăn miễn phí cho 63 học sinh không thuộc diện bán trú ở điểm trường thôn Ty Tu. Sau khi kết thúc thời gian dạy buổi sáng, 2 giáo viên chạy xe 5km đến điểm trường chính lấy thức ăn rồi quay trở lại điểm trường thôn Ty Tu để tổ chức ăn trưa cho 63 học sinh. Cho đến khi tất cả học sinh chìm vào giấc ngủ trưa, giáo viên mới yên tâm chế mì gói ăn lót dạ.
Bưng tô mì trên tay, cô Nguyễn Dương Quý (chủ nhiệm lớp 2A3) nói rằng, công việc tuy vất vả, nhọc nhằn nhưng các thầy cô rất vui vì không còn tình trạng học sinh nghỉ học như trước. “Khi trường tổ chức nấu ăn, các giáo viên phải hy sinh thời gian nghỉ ngơi buổi trưa để chuẩn bị bữa ăn, rửa chén bát, lo giấc ngủ cho các em. Dù vậy, các giáo viên đều sẵn lòng”, cô Dương Ngọc Quý cho biết.
Khi được chúng tôi hỏi thăm về sự ân cần, chăm sóc của các giáo viên tại đây, em Y Phương (lớp 2A3) kể: “Cứ mỗi sáng đi học, mẹ bỏ sẵn trong cặp sách của em một hộp cơm. Đến giờ ăn trưa, thầy cô sẽ lấy cho em thức ăn gồm cá, canh và thịt. Thức ăn thầy cô nấu rất ngon. Ăn xong, em được ngủ lại tại trường để chiều học tiếp, không phải đi bộ về nhà để ăn trưa như trước. Em biết ơn và muốn trường tiếp tục nấu ăn miễn phí cho chúng em”.
Cô Hồ Thị Thùy Vân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đắk Hà, cho biết, từ thực tế học sinh nghỉ học buổi chiều vì nhà xa, nên khi huyện kêu gọi huy động các nguồn lực để nấu ăn trưa miễn phí cho học sinh, trường hưởng ứng bằng việc tổ chức nấu ăn cho 63 học sinh ở điểm trường. Kinh phí nấu ăn trưa do giáo viên đóng góp và mạnh thường quân hỗ trợ. Từ việc trường nấu ăn miễn phí, học sinh ở điểm trường thôn Ty Tu đi học chuyên cần hơn. Sắp tới, trường sẽ nghiên cứu huy động nguồn hỗ trợ để tiếp tục duy trì hoạt động nấu ăn miễn phí này.
“Chúng tôi đang nấu ăn trưa cho 26 học sinh thôn Chung Tam không thuộc diện bán trú. Do khó khăn về kinh phí nên trước mắt, trường phải mua nợ gạo. Hiện trường đang phối hợp với xã vận động hỗ trợ gạo để nấu ăn cho học sinh”, thầy Nguyễn Thanh Huy, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học - THCS Măng Ri (xã Măng Ri), không giấu được sự lo lắng vì việc xoay xở kinh phí hết sức khó khăn.
Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, thông tin, khi huyện phát động nấu ăn trưa miễn phí cho học sinh, hầu hết các trường trên địa bàn huyện đều tham gia với nhiều hình thức. Có trường phụ huynh góp gạo, nhà trường hỗ trợ thức ăn, còn giáo viên vào bếp nấu. Có trường thì kêu gọi được xã hội hóa, hoặc giáo viên đóng góp. Hiệu quả của mô hình này đã phát huy tác dụng, tỷ lệ học sinh nghỉ học giảm hẳn, chất lượng học tập của các em cũng được nâng cao.
“Nấu ăn trưa cho học sinh thì học sinh được lợi. Tuy nhiên, các giáo viên ngoài việc chuyên môn sẽ phải thêm việc, nhọc nhằn hơn. Hiểu được sự hy sinh này nên những năm qua, huyện thường xuyên động viên đội ngũ giáo viên. Trong các dịp lễ, huyện tổ chức tri ân, chọn giáo viên tiêu biểu để khen thưởng”, ông Võ Trung Mạnh cho hay.