Thấu hiểu bản thân từ “Con đường chẳng mấy ai đi”

Với doanh số trên 10 triệu bản in trên toàn thế giới và được dịch sang hơn 25 ngôn ngữ, hơn 10 năm nằm trong danh sách best sellers của New York Times, Con đường chẳng mấy ai đi (Tuệ Tri và NXB Dân trí) đang gây sốt trong cộng đồng đọc ở Việt Nam.

Con đường chẳng mấy ai đi của tác giả M. Scotte Peck (Lâm Đặng Cam Thảo dịch) là cuốn sách giúp người đọc hướng đến với một cuộc đời trọn vẹn hơn nhờ nếp sống kỷ luật, đồng thời mang đến những góc nhìn sâu sắc về tình yêu và tôn giáo. Trên thực tế, cuộc sống này luôn có những con đường chẳng mấy người đi, bởi nó luôn chứa đựng vô vàn khó khăn và thử thách. Tuy nhiên, tác giả sẽ từng bước hướng dẫn bạn đi qua con đường đầy thử thách nhưng cũng cực kỳ xứng đáng ấy.

Sự thật là cuộc đời này không đẹp như mơ, và chấp nhận thực tế này sẽ giúp bạn tiết kiệm được rất nhiều thời gian. Mỗi ngày mới là một thách thức không lường trước, và việc bạn ý thức được điều này đã khởi động quá trình tìm kiếm giải pháp rồi.

Hình chụp_Con Đường Chẳng Mấy Ai Đi.jpg
"Con đường chẳng mấy ai đi" đang được cộng đồng đọc ở Việt Nam chia sẻ với nhau cùng đọc

Bên cạnh việc xem kỷ luật là công cụ hướng đến sự trưởng thành tinh thần, chúng ta còn phải có phương pháp đúng đắn. Một trong những cách được tác giả gợi ý là tự kỷ luật bản thân, bắt đầu bằng việc phải ưu tiên làm việc khó trước, để dành việc dễ làm sau cùng - hay phải biết cách “trì hoãn ham muốn”.

Tuy nhiên, một số người lại hành động ngược lại. Họ chọn cách sống trì hoãn, theo kiểu “sướng trước đã, hậu quả tính sau”. Những người chọn cách sống này không phải là do họ kém cỏi. Có mấy ai không muốn chọn làm việc dễ trước rồi dành hết ngày để vật lộn với những công việc khó nhai còn lại? Bằng cách phớt lờ hay trì hoãn những công việc khó khăn, họ sẽ không phải đối diện với thực tế rằng bản thân còn non nớt và nhiều hạn chế. Nếu họ trì hoãn không làm, chẳng ai có thể chê cười họ vì bất kỳ lý do gì.

Tuy vậy, đến một ngày, họ sẽ phải tự đối mặt với những khó khăn và cho bản thân mình một cơ hội để rèn luyện tính kỷ luật, đồng thời nhận lãnh trách nhiệm với chính cuộc đời mình.

Xuyên suốt lịch sử, nhân loại đã bàn luận rất nhiều về bản chất của tình yêu, nhưng đơn giản nhất thì tình yêu chính là nguồn nuôi dưỡng tâm hồn của bản thân và người mình yêu thương. Có một điều quan trọng bạn cần biết, đó là trước khi yêu thương người, bạn cần học cách yêu lấy bản thân. Quá trình này cũng tương tự như khi cha mẹ dạy trẻ cư xử sao cho đúng mực. Trước nhất, cha mẹ cần phải làm gương để trẻ noi theo.

Tiến sĩ M. Scotte Peck tốt nghiệp Đại học Harvard và Đại học Case Western Reserve. Ông là tác giả, nhà tư tưởng và bác sĩ tâm lý có tầm ảnh hưởng bậc nhất thế kỷ 20 tại Hoa Kỳ. Với Con đường chẳng mấy ai đi, M. Scotte Peck giúp người đọc học cách phân biệt sự lệ thuộc với tình yêu; làm thế nào để trở thành những bậc phụ huynh tinh tế và nhạy cảm; và cuối cùng là làm thế nào để sống chân thật với chính mình.

Tin cùng chuyên mục