Thâu đêm hái mứt biển

Mứt biển có giá trị kinh tế cao, là “lộc trời” cho người dân Nam Ô (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) khi vào mùa. Nhưng họ phải dầm mưa, chịu rét thâu đêm trong nước biển để “hái” đặc sản này.

Cứ độ gần 2 tháng trước Tết Nguyên đán, giữa đêm về sáng, người dân làng Nam Ô (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) lại í ới gọi nhau dậy đi cạo mứt biển ở ghềnh Nam Ô. Đây cũng là thời điểm nhiệt độ thấp nhất trong năm, người dân đội đèn, tay đeo găng, phủ kín áo mưa, hối hả tiến về phía ghềnh biển.

Là người hái rong mứt nhiều năm, bà Nguyễn Thị Hoa (46 tuổi) cho biết, gọi là “đặc sản” vì mứt mọc ở những nơi sóng đánh mạnh, lại gần cửa sông nên không bị tanh hay mặn chát. Mứt biển nhỏ, bám chặt vào đá, sóng càng mạnh thì mứt mới đen, dài và nhiều.

&5c.jpg
Người dân làng chài Nam Ô (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) bám ghềnh hái mứt biển xuyên đêm

“Người làm nghề phải theo con nước cạn, lựa lúc thủy triều rút để khai thác. Trung bình mỗi đêm một người có thể hái được khoảng 2-4kg mứt tươi, với giá đầu mùa lên đến 200.000-250.000 đồng/kg. Sau khi phơi khô, giá mứt có thể tăng 5-6 lần. Mứt biển được nhiều người ưa chuộng, vì vậy không bao giờ phải lo đầu ra”, bà Hoa nói.

Dù nhìn có vẻ đơn giản, nghề hái mứt biển thực sự không dễ dàng. Đôi tay thoăn thoắt lặt những cọng mứt bám trên đá, bà Huỳnh Thị Huệ (51 tuổi) kể, nghề cạo mứt này bà đã làm từ lúc còn là con gái chưa lấy chồng.

Tiền thì cũng có nhưng cực kỳ nguy hiểm, lúc trời lạnh nhất, sóng đánh dữ dội nhất thì mới tạo ra được mứt ngon. Nhưng đó là lúc người dân đánh cược tính mạng của mình với biển cả, men theo những ghềnh đá trơn tuột, quần áo ướt sũng vì sóng và những cú ngã dúi dụi, bị hàu cứa rát bỏng tay.

Tin cùng chuyên mục