Tổn thất sau thu hoạch của Việt Nam chiếm khoảng 20%-25%, tổng thiệt hại ước tính khoảng 8,8 triệu tấn, tương đương 3,9 tỷ USD chiếm khoảng 2% GDP và khoảng 12% ngành nông nghiệp của Việt Nam. Tỷ lệ thất thoát ở nhóm rau củ quả là cao nhất, khoảng 32% sản lượng, tương đương 7,3 triệu tấn rau quả bị thất thoát mỗi năm. Đối với ngành thịt, tỷ lệ thất thoát lên tới 14%, tương đương 694.000 tấn/năm; nhóm cá và thủy sản có tỷ lệ thất thoát khoảng 12% sản lượng, tương đương 804.000 tấn/năm.
Nguyên nhân do sản xuất nông nghiệp manh mún; cơ giới hóa trong khâu thu hoạch còn lạc hậu; hệ thống hậu cần kém hiệu quả; thiếu cơ sở hạ tầng bảo quản và thiếu máy móc cho chế biến sâu. Ngoài ra, các biện pháp đóng gói, xử lý sau thu hoạch trong chuỗi cung ứng chưa đáp ứng được nhu cầu, cộng với hệ thống logistics còn hạn chế.
Nhiều ý kiến cho rằng, để giảm thất thoát, lãng phí thực phẩm trong quá trình sản xuất và chế biến, chúng ta cần đẩy mạnh nghiên cứu và chuyển giao công nghệ chế biến tiên tiến, ứng dụng các tiến bộ về vật liệu, chế phẩm bảo quản vào sản xuất để tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Đồng thời đầu tư nhà xưởng, kho lạnh bảo quản tại các vùng sản xuất tập trung nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, đảm bảo chất lượng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đại sứ quán Đan Mạch sẽ tổ chức kết nối các doanh nghiệp, chuyên gia của hai nước để trao đổi kinh nghiệm, kiến thức về các giải pháp trong việc giảm thất thoát, lãng phí thực phẩm.