Thất thoát, lãng phí cũng không thua kém gì tham nhũng

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, thất thoát lãng phí không thua kém gì tham nhũng. Cho nên, ngoài công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã và đang tập trung, quyết liệt làm có hiệu quả, thì công tác chống lãng phí cũng cần quyết liệt; đồng thời cần xử lý nghiêm những cơ quan, đơn vị gây thất thoát lãng phí ngân sách nhà nước để làm gương.

Năm 2022 là năm đầu thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tại kỳ họp lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có báo cáo tình hình triển khai nghị quyết của Quốc hội về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Ngày 23-5, bên lề kỳ họp, phóng viên Báo SGGP trao đổi với đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa về nội dung này.

* PHÓNG VIÊN: Ông đánh giá thế nào về việc Quốc hội ban hành nghị quyết về đẩy mạnh việc thực hành chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí?

* Đại biểu PHẠM VĂN HÒA: Tôi đánh giá cao trách nhiệm, vai trò của các cơ quan dân cử, Quốc hội thấy việc lãng phí ở các cơ quan công quyền làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nên đã ban hành Nghị quyết 63 về đẩy mạnh việc thực hành chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa trao đổi với phóng viên Báo SGGP. Ảnh: QUANG PHÚC

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa trao đổi với phóng viên Báo SGGP. Ảnh: QUANG PHÚC

Việc giám sát này để kịp thời phát hiện, kiến nghị xử lý những nơi, những cơ quan đơn vị không làm tốt thực hành tiết kiệm, gây thất thoát lãng phí ngân sách nhà nước, giải ngân vốn đầu tư công chậm trễ, thất thoát trong chi tiêu thường xuyên…

* Những hạn chế có nêu trong báo cáo của Chính phủ nhưng theo ông vẫn còn những hạn chế nào?

* Trong năm 2022, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã vào cuộc rất quyết liệt trong việc chỉ đạo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đặc biệt, chống lãng phí trong tất cả các lĩnh vực. Chính phủ đã có báo cáo về tình hình triển khai thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022. Trong đó, thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã thường xuyên làm việc với các bộ ngành, địa phương về việc giải ngân vốn đầu tư công. Cùng với đó lắng nghe, giải quyết những vướng mắc tồn đọng gây chậm trễ tiến độ như vốn chờ công trình, thậm chí công trình chờ vốn.

Trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, chúng ta đã có chuyển biến trong việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Mặc dù vậy vẫn còn có lúc, có nơi chậm trễ, ì ạch trong việc giải ngân vốn đầu tư công. Có nơi giải ngân vốn đầu tư công dưới 50% nhưng có nhiều nơi giải ngân vốn đầu tư công trên 80%. Tôi cho rằng đây là một bước tiến lớn, hy vọng dưới sự điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, việc giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới sẽ có nhiều bước tiến.

* Ông đánh giá giữa thất thoát, lãng phí với tham nhũng thế nào?

- Thời gian qua, thất thoát, lãng phí ở nước ta vẫn còn lớn. Tôi đánh giá lãng phí cũng không thua kém gì tham nhũng nhưng chúng ta chưa đánh giá được con số thất thoát, lãng phí là bao nhiêu, trong khi, các vụ việc, vụ án tham nhũng, chúng ta thống kê được số tài sản, tiền tham nhũng.

Thất thoát, lãng phí xảy ra nhiều nơi, nhiều chỗ, mặc dù không lớn nhưng nếu cộng lại thì đó cũng là một con số lớn. Tôi nghĩ con số thất thoát, lãng phí và con số tham nhũng tương đương với nhau.

* Vậy cần làm gì để chống thất thoát, lãng phí?

- Ngoài công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực mà trước nay Đảng, Nhà nước đã tập trung, quyết liệt làm có hiệu quả thì công tác chống lãng phí cũng cần quyết liệt, đồng thời cần xử lý nghiêm những cơ quan, đơn vị gây thất thoát, lãng phí ngân sách Nhà nước. Từ đó làm gương để người khác không dám, không muốn, không làm thất thoát lãng phí, góp phần giúp việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngày càng đi vào hiệu quả hơn.

* Có ý kiến cho rằng tiết kiệm quá sẽ không phục vụ được yêu cầu phát triển?

- Tôi cho rằng, những việc nào đáng tiết kiệm thì tiết kiệm, việc nào cần thiết thì phải chi để phục vụ cho nhu cầu an sinh, cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Việc chi phải theo quy định, rõ ràng, minh bạch, không tham ô, không hối lộ, thể hiện hết tinh thần trách nhiệm vì lợi ích chung thì tôi nghĩ xã hội sẽ tốt hơn, phát triển hơn và lãng phí sẽ hạn chế đến mức thấp nhất trong thời gian tới.

Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ hai tại hội trường. Ảnh: QUANG PHÚC

Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ hai tại hội trường. Ảnh: QUANG PHÚC

* Theo ông, thời gian tới Quốc hội sẽ làm gì tiếp?

- Tôi cho rằng, với trách nhiệm của mình, Quốc hội cần giám sát, đôn đốc, nhắc nhở và có những cơ chế, chính sách phù hợp, tốt để các bộ ngành, địa phương đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Khi vốn được lưu thông ngoài thị trường, ngoài xã hội thì kinh tế - xã hội sẽ phát triển.

Báo cáo thẩm tra tại kỳ họp ngày 23-5, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, ủy ban cơ bản tán thành với báo cáo của Chính phủ và đánh giá cao sự chủ động, quyết tâm của Chính phủ, các bộ, ngành địa phương để đạt được những kết quả tích cực trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022.

Theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách, tình trạng bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp chậm ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa được khắc phục, diễn ra nhiều năm. Điều này cho thấy người đứng đầu các cơ quan, tổ chức chưa coi trọng, chưa chỉ đạo thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về việc xây dựng, triển khai chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Tin cùng chuyên mục