Tuy nhiên, theo các chuyên gia hiện nay tác dụng của Đông trùng hạ thảo đã bị tâng bốc thái quá khiến sản phẩm này bị đội giá lên hàng trăm triệu đồng một ký, nhưng kết quả thì phần nhiều chưa thấy rõ ràng.
Tâng bốc quá cỡ, chất lượng mập mờ
Theo bác sĩ Hoàng Khánh Toàn, Trưởng khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, các nghiên cứu khoa học đã tìm ra trong Đông trùng hạ thảo có từ 14 - 19 loại axit amin quý cùng các vitamin A, B1, B2, B12, C và các nguyên tố vi lượng khác. Tuy nhiên, dù Đông trùng hạ thảo chứa dược chất quý nhưng đây không phải là vị thuốc chữa bách bệnh.
“Đến nay cũng chưa có bất kỳ vị thuốc nào là thần dược, thuốc nào cũng chỉ chữa được một số bệnh nhất định. Việc thần thánh hóa để đẩy giá lên là điều người tiêu dùng phải cảnh giác”, bác sĩ Toàn cảnh báo.
Trong khi đó, Thầy thuốc nhân dân - bác sĩ Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Trung ương Hội Đông y Việt Nam, thẳng thắn cho rằng, tác dụng của Đông trùng hạ thảo đang bị quảng cáo, tâng bốc một cách thái quá, giá thành cũng bị đẩy lên rất cao. “Đông trùng hạ thảo là vị thuốc có tác dụng bồi bổ sức khỏe cho bệnh nhân mắc một số bệnh, nhưng không điều trị được lục phủ ngũ tạng, thậm chí không chữa được những bệnh nan y như một số phương tiện thông tin đã đồn thổi”, bác sĩ Nguyễn Xuân Hướng cho hay.
Nhiều chuyên gia về y học cổ truyền cũng đều khẳng định, Đông trùng hạ thảo chỉ có tác dụng bồi bổ cơ thể suy nhược, chứ chưa được Bộ Y tế công nhận là thuốc chữa bệnh mà chỉ xem là sản phẩm thực phẩm chức năng. Điều đáng lo ngại hiện nay là trên thị trường có rất nhiều loại sản phẩm Đông trùng hạ thảo khác nhau, thật giả lẫn lộn và có tới 60% là sản phẩm không bảo đảm chất lượng, gây thiệt hại lớn cho người tiêu dùng.
Cũng theo Cục An toàn thực phẩm, việc công bố sản phẩm Đông trùng hạ thảo, theo quy định, doanh nghiệp phải có phiếu kiểm nghiệm đánh giá hàm lượng chất Adenosin và Cordycepin để đánh giá sản phẩm đó có được gọi là Đông trùng hạ thảo hay không, có bao nhiêu phần trăm thì được gọi là Đông trùng hạ thảo... Tuy nhiên, việc xác định còn gặp khó khăn vì hiện chưa có quy định về hàm lượng nhộng trùng nên chưa đủ cơ sở xác định từng loại sản phẩm thế nào là Đông trùng hạ thảo.
Khó phân biệt thật, giả
Theo nhiều chuyên gia về sinh học, Đông trùng hạ thảo là dạng ký sinh của một loài nấm dược liệu có tên khoa học Ophiocordyceps sinensis hoặc Cordyceps Militaris trên sâu non (ấu trùng) thuộc chi Thitarodes. Loại dược thảo quý hiếm này thường được tìm thấy ở các cao nguyên có độ cao hơn mặt biển từ 4.000 - 5.000m và được tìm thấy chủ yếu ở một số vùng của Trung Quốc như Tây Tạng, Tứ Xuyên, Vân Nam...
Trong tự nhiên, quá trình hình thành và phát triển của loài nấm Đông trùng hạ thảo là vào mùa đông, loại nấm có tên khoa học Ophiocordyceps hoặc Cordyceps ký sinh vào cơ thể của sâu non và ăn hết chất dinh dưỡng của ấu trùng này. Việc ký sinh được xảy ra do ấu trùng ăn phải bào tử của nấm hoặc chúng mắc bệnh nấm ký sinh cho đến khi tơ nấm phát triển mạnh sẽ ăn hết chất dinh dưỡng trong cơ thể ấu trùng. Và đến mùa hè, nấm bắt đầu mọc ra như một số ngọn cỏ có màu vàng hay trắng đục.
Sau khoảng thời gian từ 2 - 3 tháng, nấm trưởng thành phát tán bào tử và các bào tử này tiếp tục bay khắp nơi ký sinh vào cơ thể ấu trùng để phát triển. Chính vì sự hình thành và phát triển tương đối đặc biệt này mà loại dược thảo này có tên gọi là Đông trùng hạ thảo, hay gọi chính xác hơn là nấm Đông trùng hạ thảo. Hơn nữa, cũng chính vì sự đặc biệt này mà Đông trùng hạ thảo có nguồn gốc từ tự nhiên rất hiếm, ít và cũng vô cùng đắt đỏ.
GS-TS Phạm Hưng Củng, nguyên Vụ trưởng Vụ Y học cổ truyền (Bộ Y tế), cho hay những loại Đông trùng hạ thảo xuất xứ từ Tây Tạng (Trung Quốc) có giá trị kinh tế rất cao với giá bán tới 2 - 3 tỷ đồng/kg. Tại cửa hàng thuốc đông y L.H. trên đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 5, TPHCM), nhân viên tại đây cho biết giá bán Đông trùng hạ thảo tự nhiên là 13 triệu đồng/g. Theo lời nhân viên này thì sản phẩm được chủ cơ sở đặt mua từ núi Hymalaya mang về nên chắc mẩm đây là “hàng thật”.
Chỉ tay vào gói ni lông, nữ nhân viên hồ hởi chia sẻ: “Gói này là 1g, đã được lựa sạch và hút chân không, sau đó bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh nên an tâm, mua về là dùng thôi. Cái này để bồi bổ sức khỏe, tốt cho da, thận và cả người bị ung thư. Đây là loại nguyên chất rất quý hiếm nên thời gian cảm nhận phục hồi sức khỏe sẽ nhanh hơn các loại chế phẩm”.
Còn tại một nhà thuốc đông y tại phố Lãn Ông (Hà Nội), thầy thuốc giới thiệu loại nấm Đông trùng hạ thảo của Việt Nam ngâm rượu, được quảng cáo là rất tốt, kèm theo đó là một loạt chế phẩm của Đông trùng hạ thảo dạng viên, dạng nước. Khi được hỏi về dạng nguyên con của Tây Tạng thì chủ nhà thuốc lấy từ tủ lạnh ra một hộp cỡ bằng bàn tay, vẫn còn lạnh ngắt, nói giá 4 triệu đồng/10g. Khi chúng tôi hỏi cửa hàng có hóa đơn, chứng từ để chứng minh loại Đông trùng hạ thảo nguyên chất này là hàng thật nhập từ Tây Tạng hay không thì chủ cửa hàng trả lời đây là hàng do tiếp viên hàng không xách tay về nên không có giấy tờ (?).
Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này, rất khó tin loại Đông trùng hạ thảo tự nhiên đang được rao bán trên thị trường, bởi nếu hàng thật thì giá rất đắt mà chưa chắc đã có để mua. Trong khi đó, công nghệ làm giả Đông trùng hạ thảo ở hình dạng “con sâu, cây nấm” thì quá dễ.
Anh Nguyễn Đức Bảy, hướng dẫn viên chuyên tour Trung Quốc, cho biết mỗi lần sang đây anh cũng được nhiều người bạn đặt mua giùm Đông trùng hạ thảo để làm quà biếu, nhưng qua các chuyến đi, anh Bảy thừa nhận ngay cả người bản địa Trung Quốc cũng đang săn lùng và tìm kiếm Đông trùng hạ thảo tự nhiên, nguồn cung không đủ nhu cầu cho nước họ, nói gì đến việc chuyển sang Việt Nam với cái giá lại rẻ như vậy.
Mặc dù, Đông trùng hạ thảo có giá trị về dược liệu, tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo người dân không nên mù quáng tin rằng Đông trùng hạ thảo chữa bách bệnh, có cả… bệnh ung thư. Khi chưa có y văn nào ghi nhận hay chưa có công trình nghiên cứu khoa học công bố thì phải hết sức cân nhắc mọi lời đồn thổi về công dụng của Đông trùng hạ thảo.