Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tại Việt Nam hiện có khoảng 14 - 36 triệu người mắc các tật khúc xạ về mắt như cận thị, viễn thị, loạn thị… Tỷ lệ tật khúc xạ ngày càng tăng nhanh khiến việc đeo kính để điều chỉnh là nhu cầu bức thiết. Tuy nhiên, do kỹ thuật đo thị lực ở nhiều cơ sở cung cấp kính thuốc không bảo đảm chất lượng, thông số kỹ thuật không đúng, máy móc không đạt chuẩn, sản phẩm kính hỗn loạn… đã khiến người dùng rơi vào cảnh tiền mất, tật mang.
Mua bằng... niềm tin
Không khó để bắt gặp cửa hàng bán mắt kính ở các trục đường lớn, nhỏ trên địa bàn TPHCM, nhất là ở gần các bệnh viện có chuyên khoa mắt, với những lời quảng cáo chuyên về mắt cận, viễn, loạn thị và có bác sĩ chuyên khoa đo, khám mắt miễn phí. Nhưng trên thực tế, rất ít cơ sở có chuyên viên hoặc bác sĩ chuyên khoa mắt làm việc. Tại Trung tâm kính mắt V.L. trên đường Trường Sa có hẳn một khu dành cho việc đo mắt. Quy trình kiểm tra mắt gồm 3 phần: kiểm tra qua máy khúc xạ tự động, qua bảng đo thị lực để thử phản ứng của mắt và cuối cùng là nhân viên dựa vào kết quả của máy khúc xạ, tầm nhìn của mắt khách hàng để đưa khách đeo thử kính...
Trong vai người đi kiểm tra thị lực, người viết được nhân viên bán kính giới thiệu kỹ thuật viên tên Nam kiểm tra mắt và đo thị lực. Sau một lúc bấm bấm, chỉnh chỉnh chiếc máy đo mắt điện tử, kỹ thuật viên kết luận mắt trái bị cận 2 độ, mắt phải cận 3,5 độ và yêu cầu ra quầy kính cắt kính để đeo. Chưa yên tâm với kết quả, chúng tôi tiếp tục ghé của hàng mắt kính trên đường Nguyễn Oanh (quận Gò Vấp) để kiểm tra lại. Đo mắt xong, nhân viên cửa hàng cho biết, mắt phải cận 4,5 độ, mắt trái cận 3,75 độ và yêu cầu cắt mắt kính và cam kết rằng thông số đó là chuẩn, máy đo thị lực của cửa hàng được đầu tư hàng tỷ đồng nhập từ nước ngoài, nên không sai số!
Theo một chuyên gia về khúc xạ mắt, hiện nay đa phần cửa hàng kính đầu tư các máy đo khúc xạ tự động (đo miễn phí) và luôn dựa vào kết quả này để tư vấn lắp và bán kính cho khách hàng. Tuy nhiên, thực tế kết quả của máy đo khúc xạ tự động chỉ là tham khảo xem có mắc tật khúc xạ hay không và cần thiết phải được bác sĩ chuyên khoa mắt, các khúc xạ viên khám, đánh giá thị lực và chỉnh kính trên thực tế của mỗi người. “Việc đo, khám mắt chính xác chưa đủ mà còn phải đo ra công thức kính đúng về độ cầu, độ loạn, công suất; từ đó kê toa kính chính xác và phải lắp kính chuẩn. Nếu đeo kính không đúng tật khúc xạ (cận, viễn hoặc loạn - PV), tác hại sẽ khôn lường. Trước mắt sẽ có các triệu chứng biểu hiện rõ như nhức mắt, nhức đầu, nhìn không rõ. Về lâu dài là bị nhược thị và dẫn đến lé (bệnh lác mắt)”, vị chuyên gia này cảnh báo.
Thả nổi quản lý
Theo Thông tư số 41 ngày 14-11-2011 của Bộ Y tế về nội dung “Hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh”, chỉ rõ kinh doanh dịch vụ kính thuốc là loại hình kinh doanh có điều kiện. Cụ thể, tại Điều 34 của Thông tư 41 quy định: Điều kiện cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở dịch vụ kính thuốc, ngoài việc đáp ứng các quy định về cơ sở vật chất, thiết bị y tế, thì người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật đối với cơ sở dịch vụ kính thuốc phải là người tốt nghiệp trung cấp y trở lên, có chứng chỉ hành nghề về dịch vụ kính thuốc và có thời gian thực hiện đo kiểm, chẩn đoán tật khúc xạ mắt tại cơ sở dịch vụ kính thuốc hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có chuyên khoa mắt ít nhất là 45 tháng, kể từ ngày được cấp bằng tốt nghiệp trung cấp y trở lên… Ngoài ra, phạm vi hoạt động chuyên môn của người hành nghề này cũng được quy định: Đo tật khúc xạ mắt, tư vấn về việc sử dụng kính; mài lắp kính thuốc theo đơn của bác sĩ và bảo hành kính thuốc.
Tuy nhiên trên thực tế, do nhận thức và nhu cầu tiện lợi của khách hàng, nhiều cửa hàng kinh doanh mắt kính tùy tiện trong việc đo và mài lắp kính thuốc cho khách hàng. Thậm chí nhiều cửa hàng chỉ được cấp đăng ký kinh doanh kính thời trang, nhưng thấy nhiều khách hàng có nhu cầu mua kính thuốc đã tự trang bị thêm máy đo khúc xạ, tự học phương pháp đo mắt, cắt và lắp kính thuốc. Theo bác sĩ Phạm Hồng Mai, Trưởng khoa Khúc xạ Bệnh viện Mắt TPHCM, việc sử dụng kính thuốc không chuẩn trong thời gian dài sẽ dẫn đến nhiều tác hại nghiêm trọng cho mắt, nếu sử dụng lâu dài sẽ khiến mắt phải điều tiết nhiều hơn, làm tăng độ của mắt… Để có thể đo mắt và kiểm tra thị lực cho khách hàng, kỹ thuật viên khúc xạ phải được đào tạo bài bản và cần có kinh nghiệm qua quá trình làm việc. Đối với các trường hợp khó như độ cận thị cao, viễn thị, loạn thị cao, cần có những kỹ thuật viên nhiều kinh nghiệm mới đo được số đo chính xác để làm kính. Bên cạnh đó, sau khi có số đo đúng, cần làm kính bảo đảm chính xác với toa kính đã được chỉ định.
Trước thực trạng đó, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM, cho hay đoàn thanh tra của sở cũng thường xuyên tiến hành kiểm tra hoạt động tại các cơ sở kinh doanh kính thuốc; tuy nhiên, các cơ sở này thường là cửa hàng bán kính thông thường và được lắp thêm máy đo thị lực ngoài khu vực kinh doanh nên gây khó khăn cho các đoàn kiểm tra xác định loại hình kinh doanh là cơ sở kính thuốc hay cơ sở kính thông thường. Tại thời điểm kiểm tra, các cơ sở này không thực hiện đo tật khúc xạ mắt hay tư vấn về việc sử dụng kính hay thu giữ được sổ khám bệnh… nên gây trở ngại trong việc xác lập hành vi khám bệnh, chữa bệnh của các cá nhân.
Cẩn trọng với kính mát giá rẻ Kính mát nhiều giá. Ảnh: HOÀNG HÙNG Anh Vũ Văn Hải (quận Gò Vấp) cho biết: “Tôi làm nghề chạy xe ôm nên cũng thường xuyên ghé các tiệm lề đường để mua loại kính màu đeo che nắng. Những loại kính này thường có độ bền không cao, khi đeo vào tôi thấy bị nhòe và hay chóng mặt. Tôi cũng biết được các tác hại của kính giá rẻ, nhưng mua các loại kính chính hãng khác thì rất mắc tiền”. ANH TUẤN |