Công an TP Đà Nẵng vừa vào cuộc điều tra để xử lý vụ làm công văn giả mạo về việc UBND TP Đà Nẵng phê duyệt hình thức đầu tư xây dựng công trình cầu nối từ đường Bùi Tá Hán qua khu đô thị sinh thái Hòa Xuân, nhằm tạo cơn sốt đất tại quận Cẩm Lệ và Ngũ Hành Sơn. Làm giả giấy tờ có nhiều thủ thuật, từ thủ công đến tinh vi, hiện đại, nhưng chủ yếu chỉ là làm giả bằng cấp, giấy phép lái xe, giấy tờ xe, giấy tờ nhà đất…, nhằm mục đích gian lận, lừa đảo. Vì thế, việc kẻ gian soạn thảo một công văn bịa đặt, giả mạo con dấu UBND TP Đà Nẵng và chữ ký của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, với ý đồ lừa đảo trục lợi quy mô rất lớn đang làm dư luận giật mình vì sự táo tợn và ý đồ thâm hiểm: không chỉ nhằm lừa những nhà đầu tư địa ốc, kẻ gian còn muốn qua mặt nhiều cơ quan công quyền khi gửi văn bản giả này đến Sở KH-ĐT, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở GTVT, UBND quận Cẩm Lệ và UBND quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng.
Văn bản làm giả rất giống văn bản thật, nên thật giả khó lường. Vấn đề cần báo động từ vụ làm công văn giả mạo này là với trình độ kỹ thuật chụp và in ấn hiện nay, việc làm văn bản giả mạo rất dễ dàng. Chỉ với một máy tính có phần mềm photoshop, một máy scan, một máy in màu, một máy ép dẻo plastic, là đã có thể dễ dàng làm giả bằng cấp, giấy tờ các loại. Việc làm giả văn bản của cơ quan công quyền cũng tương tự, chỉ cần soạn một văn bản giả rồi scan hay photocopy màu để nối vào chữ ký và con dấu thật ở một văn bản khác. Do vậy, cách nhận diện văn bản của cơ quan công quyền chỉ bằng con dấu và chữ ký như từ trước đến nay đã trở nên rất lạc hậu.
Đã có quy định quản lý đối với các cơ sở in ấn, photocopy để ngăn chặn việc làm giả giấy tờ hay tiếp tay cho kẻ gian làm giả giấy tờ, nhưng vẫn không thể quản lý chặt chẽ được. Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã quy định xử lý đối với tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Theo đó, người nào làm giả con dấu, tài liệu hay giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng. Ngoài ra, tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm, thế nhưng vẫn không đủ răn đe. Trên mạng đang có rất nhiều cá nhân, tổ chức rao nhận làm giả con dấu, bằng cấp, quảng cáo giao hàng ngay trong ngày: “Bằng lái xe máy A1 giá 1 triệu đồng; bằng lái ô tô B2 giá 3,2 triệu đồng; bằng đại học 4,5 triệu đồng; giấy chứng minh nhân dân 4 triệu đồng… Bất cứ giấy tờ nào muốn làm giả cũng đều được đáp ứng”. Hệ lụy từ việc mua bán giấy tờ giả mạo sẽ rất khủng khiếp khi người không học lái ô tô giờ cũng có bằng giả để tham gia giao thông; người không đi học cũng có bằng giả để hành nghề kỹ sư, bác sĩ; kẻ tội phạm cũng có giấy tờ giả để đi lừa đảo mọi người...
Trước thực trạng đó, biện pháp ứng dụng công nghệ in ấn tinh xảo để chống làm giả con dấu, tài liệu cũng đã được thực hiện, thí dụ như giấy đăng ký xe thật có sợi bảo vệ phát quang dưới nguồn SPOT, phù hiệu công an sẽ phát quang dưới tia UV, còn giấy đăng ký xe giả không có. Rất cần ứng dụng những công nghệ này cho các bằng cấp và các loại giấy tờ quan trọng như giấy chứng nhận nhà đất, căn cước công dân… để không còn tình trạng thật giả khó lường. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng nên có ngân hàng dữ liệu lưu trữ thông tin những người đã tốt nghiệp các trường đại học trong nhiều năm qua, để hỗ trợ các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong khắp cả nước dễ dàng xác minh bằng cấp cán bộ.
Trước khi xảy ra vụ giả mạo công văn của UBND TP Đà Nẵng nhằm tạo sốt đất để trục lợi, tại các đô thị lớn khác cũng đã từng xảy ra rất nhiều vụ kẻ đầu cơ địa ốc tung tin giả về quy hoạch để tạo sốt đất. Thủ thuật là đưa ra thông tin không có cơ sở, khó kiểm chứng, hoặc thêm bớt, bóp méo nội dung văn bản thật theo ý đồ của họ. Những kẻ mưu đồ chính trị cũng thường tác động nhân tâm, gây dư luận bức xúc phản đối bằng thủ đoạn tung tin giả như vậy, và cũng dùng các thủ thuật ghép ảnh với dụng ý xấu, làm giả văn bản của cơ quan công quyền để xuyên tạc chủ trương chính sách, gây kích động dư luận. Do vậy, để chống việc làm giả văn bản của cơ quan công quyền, cùng với việc thực thi pháp luật, xử lý nghiêm tội phạm làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, rất cần bảo đảm tính công khai, minh bạch trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Theo quy định, các văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền cấp tỉnh phải được đăng công báo cấp tỉnh, bảo đảm quyền được thông tin và tiếp cận thông tin của công dân. Thực hiện đúng quy định đó thì người dân sẽ dễ dàng phát hiện khi kẻ gian làm giả văn bản hay tung tin giả về văn bản của cơ quan công quyền để lừa đảo, trục lợi.