Thực tế cho thấy, nhiều nơi công tác an toàn lao động (ATLĐ) trong xây dựng chưa được quan tâm đúng mức; công tác quản lý bị buông lỏng; chế tài xử lý các vi phạm chưa đúng mức; đơn vị tư vấn giám sát chưa làm hết vai trò trách nhiệm.
Không ít vụ TNLĐ xảy ra do yếu tố chủ quan, xem thường công tác ATLĐ; thiếu biện pháp bảo hộ, không thực hiện biện pháp ATLĐ vì lo sợ tốn kém chi phí; có trường hợp bố trí người không đúng chuyên môn và chưa được tập huấn hoặc thiếu kinh nghiệm.
Nhưng khi xảy ra TNLĐ thì chủ sử dụng lao động lại tìm cách đổ lỗi cho nguyên nhân khách quan, thậm chí đổ lỗi cho nạn nhân không tuân thủ quy trình làm việc. Đáng chú ý, có nhiều vụ TNLĐ dẫn đến chết người nhưng không khởi tố hình sự.
Trong xây dựng, ATLĐ luôn phải được đặt lên hàng đầu. Vậy nên công tác quản lý an toàn phải xuyên suốt có hệ thống, không thể trông đợi ở sự tự giác của một cá nhân hay nhóm người nào khác. Theo quy định, trước khi triển khai xây dựng đều phải chuẩn bị đầy đủ việc lập phương án thi công, đề cương giám sát.
Cần cẩu, máy móc, thiết bị, giàn giáo chống đỡ phải được tính toán và kiểm tra đảm bảo an toàn. Trước khi triển khai công việc ở hiện trường, nhà thầu xây dựng phải lập biện pháp thi công, trình tư vấn giám sát thông qua theo quy định.
Tư vấn giám sát vừa có vai trò tư vấn và vai trò giám sát, chịu trách nhiệm trước pháp luật và chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư theo hợp đồng đã ký.
Dù quy định là vậy, nhưng lắm khi trong thi công vẫn có những tư vấn giám sát chỉ chú trọng vai trò giám sát theo thiết kế được duyệt, chưa quan tâm đúng mức ở vai trò tư vấn.
Vai trò tư vấn giám sát là yếu tố quan trọng giúp chủ đầu tư kiểm tra, có ý kiến với các bên liên quan, lưu ý nhà thầu xây dựng điều chỉnh hay bổ sung sao cho an toàn, thậm chí đình chỉ thi công nếu thấy mất an toàn.
Rất cần xem xét biện pháp chế tài đối với tư vấn giám sát trong hợp đồng xây dựng, buộc phải tạm ứng trước một khoản chi phí ký quỹ về cam kết đảm bảo ATLĐ, để cùng với nhà thầu xây dựng khắc phục các thiệt hại nếu xảy ra sự cố hay TNLĐ trong thi công có lỗi chủ quan từ trách nhiệm tư vấn giám sát.
Quan trọng nhất vẫn là chủ sử dụng lao động phải có ý thức chú trọng công tác đảm bảo an toàn, áp dụng cách thức làm việc cũng như quản lý công tác theo hướng ưu tiên ATLĐ.
Với các trường hợp vi phạm ATLĐ gây chết người, ngoài chuyện bồi thường hỗ trợ cũng nên truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các cá nhân, tổ chức có liên quan đến vi phạm những quy định về ATLĐ dẫn đến tai nạn.