Thấp thỏm tuyển sinh lớp 10

Năm học 2023-2024 là năm thứ 2 Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 triển khai ở bậc THPT, với yêu cầu học sinh chọn tổ hợp môn học đầu năm lớp 10. Chọn nguyện vọng càng trở nên là bài toán cân não khi học sinh vừa phải chọn trường vừa sớm định hướng nghề nghiệp bản thân.

Chọn trường có phân ban phù hợp

Thời điểm hiện tại, nhiều phụ huynh và học sinh lớp 9 như “ngồi trên đống lửa” do chưa đầy 3 tháng nữa, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập sẽ diễn ra nhưng kế hoạch tổ chức các tổ hợp môn học chưa được các trường THPT công bố.

Chị Thái Phương, phụ huynh có con đang học THCS ở quận 3, cho biết, con có học lực khá nên giáo viên chủ nhiệm gợi ý đăng ký nguyện vọng 1 (nguyện vọng có điểm chuẩn đầu vào cao nhất - PV) vào các trường THPT ở tốp đầu thành phố. Tuy nhiên, nếu như trước đây, học sinh chọn nguyện vọng trên cơ sở điểm chuẩn đầu vào của trường THPT và khoảng cách từ nhà đến trường, thì năm nay phải tìm hiểu thêm các tổ hợp môn học tự chọn của từng trường có phù hợp phân ban tuyển sinh đại học hay không. Theo đánh giá của nhiều phụ huynh, bài toán nghề nghiệp đặt lên vai học sinh khối 9 là khá sớm, nên phần nào tăng thêm áp lực cho các em.

Thầy Võ Kim Bảo, giáo viên Ngữ văn khối 9, Trường THCS Nguyễn Du (quận 1, TPHCM) trong một hoạt động đổi mới phương pháp dạy học

Thầy Võ Kim Bảo, giáo viên Ngữ văn khối 9, Trường THCS Nguyễn Du (quận 1, TPHCM) trong một hoạt động đổi mới phương pháp dạy học

Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu khẳng định, việc học sinh lựa chọn tổ hợp môn học ở lớp 10 sẽ giữ ổn định đến năm lớp 12. Việc chuyển đổi môn học (nếu cần thiết) chỉ thực hiện vào cuối năm lớp 10, song sẽ gặp nhiều khó khăn do học sinh phải “cấp tốc” bổ sung kiến thức cả năm học. Do đó, việc chọn trường nói chung, tổ hợp môn học nói riêng nếu phù hợp ngay từ đầu thì sẽ giúp quá trình học tập của học sinh ở bậc THPT đạt hiệu quả.

Trường hợp khác, chị Thanh Thảo, phụ huynh có con học lớp 9, Trường THCS Phan Văn Trị (quận Gò Vấp), lo lắng: “Giáo viên chủ nhiệm gửi cho lớp một địa chỉ trang web tư vấn tuyển sinh nhưng thông tin phân ban của các trường chưa có. Nhà trường tổ chức cho học sinh tham quan tìm hiểu trường THPT, nhưng chủ yếu dân lập. Con tôi muốn tìm hiểu sâu hơn về trường công lập chỉ có thể lên website của các trường, nhưng thông tin rất mơ hồ”.

Ở góc độ khác, theo Thiện Nhân, học sinh lớp 9/1, Trường THCS Nguyễn Du (quận 1), do hiện nay chưa có thông tin về tổ hợp môn học của các trường THPT nên học sinh này dự định chọn nguyện vọng trên cơ sở phù hợp năng lực học tập và gần nhà trước, sau khi trúng tuyển mới cân nhắc chọn tổ hợp môn học.

Cuộc đua nguyện vọng

Ông Võ Thiện Cang, Trưởng Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD-ĐT TPHCM), thông tin, các năm trước đây, sau khi học sinh đăng ký nguyện vọng tuyển sinh lớp 10, Sở GD-ĐT TPHCM tiến hành tổng hợp, công bố số liệu ban đầu về số lượng thí sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 các trường THPT công lập.

Học sinh và phụ huynh có 3-6 ngày điều chỉnh nguyện vọng đã đăng ký. Tuy nhiên, sau lần điều chỉnh này, Sở GD-ĐT TPHCM không công bố số liệu cập nhật số lượng thí sinh đăng ký vào các trường THPT nữa. Vì vậy, số liệu đăng ký ban đầu chỉ mang tính tham khảo, phụ huynh và học sinh không nên xem đó là căn cứ quyết định để điều chỉnh nguyện vọng. Thay vào đó, học sinh cần dựa vào năng lực học tập và định hướng nghề nghiệp của bản thân để lựa chọn nguyện vọng phù hợp.

Cô Phạm Thị Thanh Thủy, Tổ trưởng tổ Toán, Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (quận 1), bày tỏ: “Học sinh cần sớm xác định nguyện vọng tuyển sinh vào lớp 10 để biết điểm chuẩn tối thiểu các môn thi cần đạt được, từ đó xây dựng kế hoạch ôn tập và bổ sung kiến thức phù hợp với từng môn”.

Học sinh lớp 9, Trường THCS Ngô Sĩ Liên (quận Tân Bình, TPHCM) trong giờ học môn Ngữ văn

Học sinh lớp 9, Trường THCS Ngô Sĩ Liên (quận Tân Bình, TPHCM) trong giờ học môn Ngữ văn

Một trong những điểm mới của tuyển sinh lớp 10 năm nay là toàn bộ nguyện vọng đều đăng ký theo hình thức trực tuyến, hệ thống đăng ký tích hợp thêm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ phụ huynh, học sinh, như: cập nhật thông tin của các trường THPT, đưa ra dự báo mức độ phù hợp giữa học lực của học sinh và điểm chuẩn của trường THPT, cho biết khoảng cách từ nhà đến trường. Tuy nhiên, thực tế năm học nào cũng xảy ra tình trạng học sinh ở các quận nội thành đăng ký “nguyện vọng vớt” vào trường THPT ở ngoại thành để đảm bảo suất học công lập, nhưng sau khi trúng tuyển không thể nhập học.

Đại diện Sở GD-ĐT TPHCM cho rằng, công cụ hỗ trợ chỉ mang tính tham khảo, quyền quyết định cuối cùng vẫn thuộc về phụ huynh và học sinh. Hiện nay chưa có quy định bắt buộc học sinh chọn nguyện vọng vào trường THPT gần nhà nên học sinh và phụ huynh cần cân nhắc kỹ trước khi “bấm nút” chọn nguyện vọng, tránh tình trạng trúng tuyển nhưng không thể đi học.

Năm học 2022-2023, TPHCM có khoảng 109.000 học sinh lớp 9 tốt nghiệp THCS. Trong khi đó, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của các trường THPT công lập chỉ đáp ứng 70% chỗ học lớp 10. Như vậy, sẽ có khoảng 30% học sinh buộc phải rẽ hướng qua các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trường trung cấp, cao đẳng hoặc trường THPT dân lập, tư thục.

Tin cùng chuyên mục