Đường đèo quanh co, mà nhất là ý thức tham gia giao thông chưa tốt, đã khiến cung đường này trở thành nỗi ám ảnh với nhiều người. Theo thống kê của cơ quan chức năng, từ Tết Nguyên đán đến nay, trên đèo Bảo Lộc đã xảy ra 15 vụ tai nạn giao thông, làm chết 3 người, bị thương 3 người, hư hỏng nhiều ô tô, hộ lan đường…
Nguyên nhân tai nạn giao thông trên cung đường này phần lớn do người điều khiển phương tiện vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông như: chạy quá tốc độ, đi sai làn đường, phần đường. Tình trạng lái xe lấn làn, vượt nối đuôi tại những khu vực đường cong, vạch liền diễn ra khá phổ biến, xe to chèn ép xe nhỏ, ô tô lấn ép xe máy trên đoạn đường đèo 10km chật hẹp. Tình trạng trên càng phổ biến hơn vào ngày cuối tuần khi lưu lượng phương tiện tăng cao. Chỉ khi thấy bóng dáng lực lượng CSGT đi tuần tra tình trạng trên mới giảm phần nào.
Sau khi xảy ra liên tiếp các vụ tai nạn nghiêm trọng trên đèo Bảo Lộc, nhiều giải pháp khắc phục được các sở, ngành tỉnh Lâm Đồng đưa ra như đề xuất lắp đặt camera giám sát tại 12 vị trí (là khúc cua gấp) để xử phạt nguội trên đèo.
Qua khảo sát hồi đầu tháng 3-2021, Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng đã đề xuất phương án xử lý đảm bảo an toàn giao thông trên đèo Bảo Lộc với kinh phí thực hiện khoảng 27 tỷ đồng. Trong đó, đề xuất khắc phục tại 2 vị trí đường cong hay xảy ra tai nạn giao thông và thay thế mương dọc trên đèo từ mương hở thành mương có đậy đan chịu lực (tăng bề mặt đường), bổ sung hệ thống an toàn khác như vạch kẻ đường, đinh phản quang, rào hộ lan. Tuy nhiên, đến nay các phương án này vẫn chưa thể triển khai do tỉnh không trực tiếp quản lý đèo Bảo Lộc trên tuyến quốc lộ 20.
Trong khi chờ các giải pháp căn cơ được thực hiện, Phòng CSGT, Công an tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng phương án tuần tra, trong đó phối hợp với Công an huyện Đạ Huoai tăng cường lực lượng hiện hữu trên đèo vào khung giờ cao điểm từ 14-22 giờ hàng ngày. Dù vậy, để lộ trình qua đèo Bảo Lộc thực sự an toàn thì ý thức chấp hành luật của người tham gia giao thông vẫn là yếu tố quan trọng nhất.