Nhiều nguy cơ cháy nổ
Tại TPHCM, từ tháng 2 đến nay, các bãi cỏ khô và nơi chứa phế liệu liên tục xảy ra các vụ cháy. Chiều 6-5, ngọn lửa bùng cháy dữ dội ở khu vực bãi cỏ rộng hàng ngàn mét vuông ở đường Bưng Ông Thoàn trong Khu Công nghệ cao (phường Phú Hữu, TP Thủ Đức). Do khu vực này có nhiều cỏ khô, lau sậy nên ngọn lửa bao trùm nhanh chóng. Gió mạnh khiến bụi than, tàn tro đen của đám cháy bay về khu vực dân cư ở các phường Linh Tây, Linh Trung, Linh Xuân… (TP Thủ Đức). Thậm chí khói còn bay mù mịt vào nhà dân gần đó ở tỉnh Bình Dương.
Tiếp đó, trong ngày 6-5 và 7-5, tại huyện Hóc Môn liên tục xảy ra 3 vụ cháy, gây thiệt hại nặng nề về tài sản cho chủ hộ gia đình và chủ các cơ sở kinh doanh; rất may không gây thiệt hại về người.
Bên cạnh hiểm họa từ các cơ sở thu mua phế liệu, các nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh… thì các bãi giữ xe vi phạm giao thông cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ trong mùa nắng nóng. Tại TPHCM, hiện nay số lượng xe vi phạm bị tạm giữ sau các đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát ngày càng nhiều, dẫn đến nhiều khó khăn về công tác bảo quản, bảo vệ môi trường, đặc biệt là phòng ngừa cháy nổ giữa mùa nắng nóng.
Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng Phòng Tham mưu, Công an TPHCM cho biết, việc tồn đọng hàng ngàn xe vi phạm tại bãi tạm giữ xe không những khiến công tác quản lý gặp khó khăn mà còn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Từ đầu năm đến nay, Ban Giám đốc Công an TPHCM thường xuyên chỉ đạo quán triệt, nhắc nhở Công an TP Thủ Đức và các quận, huyện tăng cường xử lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; phối hợp với Phòng Hậu cần xây dựng, nâng cấp, cải tạo hệ thống phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tại các kho, bãi tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm để thực hiện tốt công tác PCCC.
Trưởng Ban Nội chính Thành ủy TPHCM Ngô Minh Châu cho biết, trong công tác PCCC - Cứu nạn, cứu hộ, phương châm 4 tại chỗ luôn được ưu tiên hàng đầu nhằm chủ động phòng ngừa cháy, nổ, tai nạn, sự cố xảy ra. Để thực hiện tốt phương châm này, nhiệm vụ hết sức quan trọng là xây dựng phong trào toàn dân tham gia công tác PCCC phát triển mạnh mẽ và sâu rộng. Trong đó, cần xây dựng mô hình tổ liên gia an toàn PCCC vững mạnh, hiệu quả tại khu dân cư, nhà ở hoặc cơ sở sản xuất kinh doanh.
Củng cố những “cánh tay nối dài”
TPHCM hiện có hơn 4.966 tổ liên gia an toàn PCCC (tổ liên gia). Từ khi các tổ liên gia được thành lập, hoạt động đã góp phần nâng cao các kỹ năng, kiến thức cơ bản về PCCC cho người dân trong nhiều khu vực. Ông Nguyễn Hữu Tân (thành viên tổ liên gia PCCC ấp 4, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh) chia sẻ, với nhiều nhà dân ở sâu trong hẻm, khi xảy ra cháy, nếu xe của lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp không thể vào kịp thì các tổ liên gia sẽ phát huy vai trò chữa cháy tại chỗ để giảm thiểu thiệt hại về tài sản và người.
Bà Võ Thị Xuân Em (ngụ xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè) vẫn nhớ như in vụ cháy nhà mình cách đây gần 3 tháng, may mắn là 8 người trong gia đình bà thoát chết. Khoảng 5 giờ ngày 15-3, bàn thờ trên gác trước phòng ngủ của gia đình bà Em bị chập điện, rồi ngọn lửa bùng cháy. Bà Em phát hiện nên hô hoán cho người thân. “Tôi chạy ra bên ngoài bấm chuông báo cháy tổ liên gia được lắp trước cửa nhà. Chuông vang lên, người trong nhà vội chạy ra ngoài thoát thân. Cùng lúc, hàng xóm cầm bình chữa cháy chạy qua dập lửa. Hành động nhanh nhạy, chính xác của hàng xóm đã giúp gia đình tôi”, bà Em chia sẻ.
Tương tự, bà Trần Thị Ngọc Nữ (ngụ huyện Bình Chánh, TPHCM) cho biết, trước đây bà không biết cách sử dụng bình chữa cháy. Từ khi có tổ liên gia, bà được học thêm về cách sử dụng bình chữa cháy, nâng cao kiến thức sử dụng điện, bình gas và cách thức chữa cháy khi có cháy nổ tại nhà, khu dân cư.
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, Đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC - Cứu nạn, cứu hộ, Công an TPHCM, thông tin, thời điểm “vàng” để chữa cháy là dưới 5 phút sau khi lửa bùng phát. Lực lượng PCCC tại chỗ rất quan trọng và có tính quyết định trong việc chữa cháy. Mô hình tổ liên gia có tác dụng nâng cao hiệu quả công tác PCCC - Cứu nạn, cứu hộ của các hộ gia đình tại khu dân cư; tận dụng thời gian vàng cho công tác PCCC - Cứu nạn, cứu hộ... Nhiều vụ hỏa hoạn trong khu dân cư được ứng cứu kịp thời, hạn chế đáng kể thiệt hại. Lực lượng chữa cháy tại chỗ hay tổ liên gia được xem như “cánh tay nối dài” của lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp.
5 người mắc kẹt trong vụ cháy ở quận 10 thoát chết nhờ lối thoát khẩn cấp
Khoảng 23 giờ 30 phút ngày 9-6, người dân phát hiện khói lửa bùng cháy dữ dội tại một căn nhà nhiều tầng ở đường Bắc Hải (phường 15, quận 10). Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PC07), Công an TPHCM điều động Đội Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an quận 10, quận 11 và Đội chữa cháy khu vực 1 thuộc Phòng PC07 với 12 xe chữa cháy chuyên dụng cùng gần 70 cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường. Cảnh sát đã hướng dẫn, cứu 5 người (4 người lớn và 1 cháu bé 3 tháng tuổi) ra ngoài an toàn qua lối thoát nạn khẩn cấp thứ 2.
Phòng PC07, Công an TPHCM cho biết, căn nhà bị cháy có kết cấu 1 trệt, 2 lầu, 1 sân thượng và có lối thoát nạn khẩn cấp thứ 2. Trước đó, chủ hộ đã được Công an quận 10 tuyên truyền huấn luyện PCCC.