Hằng năm cứ đến hẹn (từ tháng 9 đến tháng 10 âm lịch), hàng chục hécta cà phê bung nở trắng xóa các sườn đồi và nhiều khu vườn tại các tỉnh Đông Nam bộ và Tây Nguyên. Sau những cơn mưa trễ nãi cuối mùa, những vườn cà phê bắt đầu chín đỏ báo hiệu vụ thu hoạch mới nhưng trong niềm vui mùa màng là nỗi lo rớt giá luôn khiến người trồng cà phê không khỏi thấp thỏm, lo lắng.
Rộn ràng vào vụ thu hái
Theo chân anh Cháng A Tày (25 tuổi), chúng tôi đến khu vực ấp 3, xã Đồng Tiến (huyện Đồng Phú, Bình Phước), nơi hàng chục hécta cà phê xen điều dệt một màu xanh dài tít tắp đang trong mùa thu hoạch. Lấp ló trong những khu vườn là những chòi canh với khoảng sân rộng rải bạt phơi các mẻ cà phê, những bao tải bỏ hạt khô tích trữ chờ giá lên để tung ra thị trường cũng được các hộ dân bảo quản cẩn thận. Tất cả đang bừng lên sức sống, kỳ vọng về một vụ mùa bội thu được các hộ dân đem xuống những khu vườn.
Vườn cà phê 3ha của gia đình anh Tày được phủ bóng mát bởi những tán điều rộng lớn. Cạnh những hàng cà phê chín rực vẫn còn những chùm trái đang “chạy đua” với thời gian để kịp thời điểm mùa cà phê rộ. Tô điểm cho khu vườn là những bông hoa cà phê trắng tinh tỏa hương ngào ngạt thoảng bay trong gió. Vừa mặc bộ đồ lao động và đội thêm chiếc nón, anh Tày kéo tấm bạt rộng và bao tải lên vườn hái những trái cà phê đầu mùa giữa cơn mưa lất phất.
Sau một hồi quan sát, anh Tày trải một tấm bạt lớn chờ những trái cà phê được tuốt xuống. Đôi tay mau lẹ bám vào cành cà phê nặng trĩu, chắc khỏe để lựa những chùm cà phê chín đỏ. Từ tay hái phát ra những âm thanh rào rào hòa tiếng cà phê rơi lộp độp xuống tấm bạt đang chờ sẵn. Bỏ qua một số hàng cà phê, anh giải thích, nếu hái cà phê chưa đủ độ sẽ cho những hạt lép nên chỉ lựa trái chín cho hạt chắc. “Trông có vẻ đơn giản nhưng hái cà phê cũng cần sự khéo léo để không bị gãy những cành to khỏe và bảo vệ được cây mới mong “có ăn” vào năm tới. Chiếc bạt trong tay anh Tày “trượt dài” khắp các góc vườn, trong đó có những triền đồi thoai thoải, mấp mô để tới được cây cà phê chín, cho đến khi đầy ắp bạt mới dừng lại lọc bỏ lá rụng và cành gãy sau đó đóng bao chở về sân phơi. Hái cà phê bắt đầu từ sáng sớm cho đến trưa khi ánh mặt trời chiếu rọi thẳng xuống đỉnh đầu và buổi chiều thì trời sập tối mới gấp bạt trở về nhà.
Kế bên là vườn cà phê 5ha của gia đình anh Đặng Minh Huấn (28 tuổi, ngụ xã Đồng Tiến), trồng được 4 năm nay cũng đang cho thu hoạch ước tính thu về 3 tấn hạt khô. Vừa cầm chai nước uống một hơi cho đỡ khát, anh cho hay, làm cà phê khó khăn nhất là nước tưới vì khu vực này mạch nước ngầm ít. Năm nay đỡ hơn vì có nhiều cơn mưa trái mùa nên vườn nhà được cung cấp nước thường xuyên và cũng bớt phải “móc hầu bao” lo chi phí hơn trước. “Do đầu vụ, cà phê chín chưa nhiều, một mình cáng đáng công việc hái cà phê nên phải tranh thủ thời gian. Dăm bữa nữa, cà phê chín rộ phải kêu thêm người vì nếu hái trễ trái rụng xuống đất mất công mót lại rất tốn thời gian”, anh Huấn nói.
Cũng theo anh Huấn, mùa thu hoạch cũng là lúc người dân nhiều vùng miền đổ về hái thuê để có nguồn thu nhập lo trang trải cuộc sống. Đa số họ đều là người dân nghèo chỉ “nhảy dù” vài tháng, hết mùa lại trở về đoàn tụ với gia đình. Cảnh thương lái vào ra mua bán rồi chở hàng chục tấn cà phê tấp nập cũng khiến không khi trên những khu vườn tấp nập hơn nên lúc cà phê rộ là bức tranh ngày mùa có những nét rất riêng và cực kỳ sống động.
Được mùa mất giá
Theo anh Huấn, những vườn cà phê trĩu quả, những vụ mùa thắng lợi là kết quả của những chuỗi ngày dài vất vả với biết bao phần việc cùng những đêm thao thức trông coi khi cà phê bắt đầu chín. Dù chắc mẩm sản lượng tăng vọt so với vụ trước nhưng anh Huấn bất an vì giá cà phê có thể “chạm đáy”. “Với giá từ 30.000 - 34.000 đồng/kg hạt khô như hiện nay thì bán ra không có lời so với công chi phí và chăm sóc khiến người dân thấp thỏm lo lắng, khi giá cà phê bán ra thị trường khó vượt ngưỡng 40.000 đồng/kg nhân khô như các năm trước”, anh Huấn nói.
Còn với ông Đặng Minh Trung (48 tuổi, ngụ xã Nghĩa Trung, huyện Bù Đăng) khu vườn 7ha là nơi gia đình trồng cà phê xen canh, là nguồn thu chính của gia đình. Sau 1 năm chăm sóc nay bắt đầu hưởng thành quả nhưng giá cà phê xuống thấp nên không dám bán mà xay lấy hạt rồi phơi khô để chờ giá. “Lúc cà phê rộ gia đình phải thuê người hái nhưng giá cả hiện nay quá thấp nên chỉ hy vọng “lấy công làm lời” vì nếu bỏ tiền thuê sẽ không bù được chi phí bỏ ra, lo nhất là giá tiếp tục xuống thấp”, ông Trung nói.
Theo kinh nghiệm của các nhà vườn, năm nay mưa nhiều nên cà phê không lo tình trạng thiếu nước và phát triển tốt; do đó sản lượng sẽ cao hơn năm trước. Thế nhưng, giá cà phê xuống thấp nhất trong 4 năm qua thì điệp khúc được mùa nhưng mất giá đang tái lặp.