Thấp thỏm đê kè trước mùa bão lũ


Thiếu kinh phí, vướng cơ chế, thiết kế không đúng kỹ thuật, mùa bão lũ 2018 cận kề nhưng nhiều công trình kè sông, đê biển tại miền Trung vẫn trong tình trạng hư hỏng nặng hoặc chắp vá, chưa hoàn thành.
Các đơn vị đẩy mạnh thi công, sửa chữa, nâng cấp tuyến đê bao phía Đông phá Tam Giang (Thừa Thiên - Huế)
Các đơn vị đẩy mạnh thi công, sửa chữa, nâng cấp tuyến đê bao phía Đông phá Tam Giang (Thừa Thiên - Huế)

Sạt lở nghiêm trọng

Hơn 3.000 người dân có nhà cửa kề sát đoạn đê dài hơn 4km trong tổng số chiều dài tuyến đê biển 13km thuộc xã Kỳ Lợi (thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) đang sống trước “miệng hà bá”. Chưa dừng lại, dọc bờ biển Kỳ Lợi hầu như không còn rừng phòng hộ nên mỗi khi xảy ra mưa bão, triều cường, sóng biển đánh vào khiến bờ biển bị sạt lở trên diện rộng, bờ cát bị sạt lở ăn sát vào nghĩa trang, đất vườn của người dân.

Theo ông Chu Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Lợi, xã đã nhiều lần kiến nghị đề xuất xây kè, đê biển kiên cố và khảo sát số hộ dân trong vùng nguy hiểm bị sạt lở để trình các cấp xem xét, hỗ trợ kinh phí di dời, nhưng đặc thù địa phương nằm trong vùng quy hoạch di dời, mặt khác đường bờ biển dài, kinh phí xây bờ kè, đê biển quá lớn nên chính quyền các cấp vẫn chưa có phương án.

Thời gian gần đây, tình trạng xói lở bờ biển ở ven biển từ tỉnh Quảng Trị đến tỉnh Phú Yên đã và đang xảy ra một cách dữ dội. Kết quả điều tra và tính toán của nhóm các nhà khoa học Viện Địa lý và Trường Đại học Quy Nhơn, khu vực miền Trung xói lở ở 233 đoạn có tổng chiều dài lên đến 492km. Riêng tỉnh Quảng Trị, hiện có 10km bờ biển bị xói lở, 6km đặc biệt nghiêm trọng. Những năm qua, Quảng Trị đã cho tu sửa các hệ thống đê biển, nhưng chỉ làm theo kiểu chắp vá. Với tốc độ xói lở như hiện nay, các khu di tích, công trình công cộng, hàng trăm hécta đất sản xuất, hàng ngàn nhà ở của người dân sẽ khó tồn tại trước sự xâm thực của biển.

Chạy đua

Các hạng mục trọng yếu công trình đê Nho Lâm - Nghĩa Lộ (Thừa Thiên - Huế) đang gấp rút thi công, phấn đấu hoàn thành trước mùa mưa lũ 2018. Đây là dự án nâng cấp và kiên cố hóa đê bao kết hợp giao thông liên xã Quảng Phú - Quảng Thọ (huyện Quảng Điền) với chiều dài 4,42km, có tổng mức đầu tư trên 36 tỷ đồng. Ông Phạm Lê Hữu Tiến, Giám đốc Ban quản lý Công trình đê Nho Lâm - Nghĩa Lộ, cho biết, dự án có nhiệm vụ chính là đảm bảo ngăn lũ tiểu mãn, hạn chế lũ chính vụ, bảo vệ trực tiếp cho 250ha đất sản xuất nông nghiệp và hàng trăm hộ dân, các công trình của 2 xã. Tuyến đê này còn đảm bảo ngăn lũ bất thường giữa mùa vụ sản xuất trong điều kiện biến đổi khí hậu. “Hiện hầu hết các cống trên tuyến đê Nho Lâm - Nghĩa Lộ đã hoàn thành. Các đơn vị thi công tranh thủ thời tiết thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sớm đưa công trình vào sử dụng”, ông Tiến nói. Mới đây, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã phê duyệt đầu tư xây dựng công trình tuyến đê biển thôn Thạnh Đức (xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ). Tuyến đê dài 2.420m, với tổng vốn đầu tư hơn 146 tỷ đồng. 

Trong khi đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN-PTNT đã thành lập các đoàn công tác tiến hành kiểm tra thực trạng và công tác quản lý vận hành các hồ chứa trên phạm vi toàn quốc để có các giải pháp chỉ đạo nhằm bảo đảm an toàn hồ đập, giảm thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra trong mùa mưa bão. Đoàn công tác đã đi kiểm tra thực địa một số công trình có nguy cơ mất an toàn tại 6 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế và ghi nhận những khó khăn, vướng mắc, đề xuất của các địa phương… 

Đoàn đã yêu cầu các địa phương tiếp tục rà soát phương án ứng phó thiên tai, ứng phó với tình huống khẩn cấp, trong đó quan tâm đến công tác bảo đảm an toàn công trình đầu mối và vùng hạ du, đặc biệt đối với khu vực trũng thấp bị ngập sâu trong các tình huống xả lũ khẩn cấp, hoặc vỡ đập; bổ sung phương án sơ tán, bảo vệ tài sản, công trình; đối với công trình đang thi công hồ chứa, đê điều đang nâng cấp sửa chữa như: công trình Nam Thạch Hãn, Triệu Thượng 2 (Quảng Trị), Đồng Bể (Thanh Hóa)… cần phải đẩy nhanh tiến độ hoàn thành thi công, cập nhật, điều chỉnh phương án ứng phó thiên tai phù hợp với tiến độ thi công thực tế của công trình.

Tin cùng chuyên mục