Dự án đường nối từ đường Võ Văn Kiệt đến đường cao tốc TPHCM - Trung Lương có tổng chiều dài 2,7km, điểm đầu tiếp giáp nút giao quốc lộ 1A với đường Võ Văn Kiệt, điểm cuối là nút giao Tân Kiên (giao với tuyến nối Tân Tạo - Chợ Đệm của cao tốc TPHCM - Trung Lương) do Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Bình Chánh làm chủ đầu tư từ nguồn vốn ngân sách. Dự án có 250 trường hợp là tổ chức, cá nhân, hộ gia đình bị ảnh hưởng. Theo đó, tổng số nhà bị giải tỏa trắng có 81 hộ, trong đó có 72 trường hợp đủ điều kiện được bố trí TĐC.
Theo phương án bồi thường của dự án, tại vị trí khu đất số 1 (tổ 12 B, ấp 2, xã Tân Kiên) có 6 trường hợp bị giải tỏa trắng đủ điều kiện bố trí TĐC nhưng hiện tại chưa được giải quyết như: bà Võ Bạch Từng số nhà B12/25J; Trịnh Minh Trung số nhà B12/26B/1; Hồ Đình Kiệt số nhà B12/26B/2; Lê Thị Nhụy số nhà B12/26B/3; Lương Văn Phúc số nhà B12/26B/5 và Trần Thanh Hồng số nhà B12/25N.
Theo phản ánh của 6 hộ dân, tất cả đều mua đất cất nhà từ năm 2001 đến trước ngày 1-7-2004 (ngày Luật Đất đai năm 2003 có hiệu lực thi hành).
Ông Trình Chánh Vân, Tổ trưởng Tổ 12B, cho biết, ông làm tổ trưởng từ năm 1993 đến nay. Khi triển khai dự án, UBND xã Tân Kiên đã tổ chức họp dân và ban hành Công văn số 955/UBND ngày 3-10-2019, xác nhận tình trạng pháp lý của 6 hộ dân nêu trên đã xây dựng nhà trước ngày 1-7-2004 nhưng trên bản đồ địa chính không thể hiện nhà bị ảnh hưởng trong dự án. Bên cạnh đó, xã Tân Kiên cũng ban hành Công văn số 396/UBND ngày 26-5-2016, xác nhận 6 hộ nêu trên đều không còn chỗ ở nào khác (khi bị giải tỏa trắng) trên địa bàn xã Tân Kiên, đây chính là điều kiện được bố trí TĐC theo quy định pháp luật. Bên cạnh đó, 6 hộ dân đều được Công an xã Tân Kiên xác nhận đã cư trú từ năm 2003, đến 2008 được cấp số nhà ở ổn định đến nay.
Trong quá trình chờ đợi suất bố trí TĐC như quy định, Phòng TN-MT huyện Bình Chánh có Báo cáo số 4004/BC-TNMT ngày 23-9-2020 có nội dung: “Theo Công văn số 4781/PCBC-DVKH ngày 31-8-2020 của Công ty Điện lực Bình Chánh về việc xác nhận thời điểm gắn điện kế đối với các hộ dân, theo đó xét thấy các trường hợp gắn điện kế sử dụng từ ngày 10-5-2005 (hộ bà Võ Bạch Từng); 5-4-2006 (hộ ông Trịnh Minh Trung); 6-4-2006 (hộ ông Hồ Đình Kiệt); 11-7-2006 (hộ bà Lê Thị Nhụy); 9-10-2007 (hộ ông Lương Văn Phúc) và 22-5-2008 (hộ ông Trần Thanh Hồng)… chưa đủ cơ sở tham mưu UBND huyện xem xét TĐC”.
Tuy nhiên, báo cáo của Phòng TN-MT huyện Bình Chánh dẫn chiếu Điều 21 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ và vận dụng khoản 2 điểm e “giấy tờ nộp tiền điện, nước...” để loại trừ quá trình sử dụng đất liên tục của người dân, bác đề xuất bố trí TĐC cho người dân. Tuy nhiên, cũng Điều 21 Nghị định 43/2014/NĐ-CP tại khoản 4 có quy định: “Trường hợp không có một trong các loại giấy tờ quy định tại khoản 2 điều này hoặc trên giấy tờ đó không ghi rõ thời điểm xác lập giấy tờ và mục đính sử dụng đất thì phải có xác nhận của UBND cấp xã về thời điểm bắt đầu sử dụng đất và mục đích sử dụng đất trên cơ sở, nơi có đất”.
Như vậy, thay vì áp dụng theo khoản 4 Điều 21 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, Phòng TN-MT huyện Bình Chánh lại áp dụng điểm c, khoản 2 gây bức xúc cho người dân cũng như những đơn vị có trách nhiệm trong quá trình vận động giải tỏa tại dự án. Trong khi đó, một số trường hợp nhận chuyển nhượng từ khu đất mà các hộ dân đang sinh sống lại được bố trí TĐC.