1. Thương hiệu áo dài Huệ Thi của cô gái Quảng Nam Nguyễn Thị Huệ, sinh năm 1982, ra đời chưa lâu nhưng đã dần khẳng định được vị thế. “Ưu tiên dùng chất liệu truyền thống nhằm bảo tồn, phát huy làng nghề cũng như góp phần bảo vệ môi trường là việc tôi nghĩ đến đầu tiên”, Huệ Thi cho biết. Những bộ sưu tập của chị thiết kế đậm nét miền Tây Nam bộ, hài hòa kiểu dáng trên nền chất liệu truyền thống vốn có.
Ít ai biết Huệ Thi là một kỹ sư cầu đường. Chị từng là giám đốc chi nhánh Cần Thơ của một công ty giám định. Và chị cũng là một nhà thơ, xa gần nhiều người biết đến. “Tôi đã dừng những công việc có thu nhập khá cao để theo đuổi đam mê”, Huệ Thi bộc bạch. Với chị, duyên nợ với áo dài xuất phát từ sự đam mê, trân quý những giá trị truyền thống. Ban đầu, chị mở một cửa hàng thời trang nho nhỏ ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, lấy áo dài làm sản phẩm chủ lực để xây dựng thương hiệu; rồi tiến đến đầu tư, trau chuốt cho sản phẩm áo dài để vừa kinh doanh vừa thỏa ước mơ trong lĩnh vực thời trang.
Cuối năm 2019, cuộc trò chuyện với NTK Minh Hạnh đã tiếp thêm cho chị ngọn lửa đam mê với áo dài. Ở đó, chị còn biết thêm nhiều thông tin về chương trình Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam do NTK Minh Hạnh làm tổng đạo diễn, được tổ chức ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, do Hội LHPN Việt Nam phối hợp Bộ VH-TT-DL tổ chức năm 2020.
Một điều bất ngờ là chị được NTK Minh Hạnh mời tham gia vào chuỗi chương trình Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam. “Tôi hạnh phúc, nhưng cũng căng thẳng, đầy lo lắng bởi đây là sân chơi lớn. Mừng là ước mơ, đam mê của mình có cơ hội được chắp cánh, nhưng vẫn bị nỗi lo lấn át”, chị nhớ lại. Chính vì sự đam mê, trân quý những giá trị truyền thống, Huệ Thi đã phác họa tinh hoa của đờn ca tài tử Nam bộ lên tà áo dài trên chất liệu Lãnh Mỹ A và khăn rằn, tạo ấn tượng với mọi người ngay lần đầu tiên ra mắt.
2. Huệ Thi cho biết, một số mẫu áo dài của chị từng bị người khác sao chép. “Đẹp thì mới có người sao chép chứ. Điều tôi buồn chính là việc họ không truyền tải đủ đầy, và có cảm giác những đứa con tinh thần của mình bị bôi vẽ cho xấu xí”, chị tiếc nuối. Việc sản phẩm bị sao chép, thậm chí bị đạo nhái trắng trợn, là chuyện thường xảy ra trong lĩnh vực thời trang, nghệ thuật, nhưng theo chị, đó là những “thác ghềnh” phải vượt qua, đồng thời giúp cho người làm nghệ thuật đúc rút bài học thuộc về bản quyền.
Với gần 20 năm gắn bó miền Tây, Huệ Thi có nhiều nợ ân tình với nơi đây. Những gì đặc sắc thuộc về vùng đất này được chị trăn trở, làm sao để gói ghém, thổi hồn vào chiếc áo dài với tinh thần lồng ghép truyền thống nhằm tôn vinh những giá trị cốt lõi, tinh hoa sáng tạo của người Việt Nam nói chung, người phụ nữ Việt Nam nói riêng đến với bạn bè quốc tế. Chính vì thế, Lãnh Mỹ A (Tân Châu, An Giang), chiếc khăn rằn choàng cổ, nét đẹp đờn ca tài tử, hoa sen… được chị chọn lựa làm chất liệu cho những bộ thiết kế của mình.
“Bản sắc của quốc gia, dân tộc, vùng miền thật sự quan trọng, và người làm nghệ thuật cần phải biết kết hợp với nhau để càng đậm đà, phong vị hơn những giá trị truyền thống ấy”, chị bộc bạch.
Đến với thời trang áo dài, mới một sớm một chiều, Huệ Thi còn nhiều bỡ ngỡ, nhất là việc tham gia các chương trình trình diễn áo dài với quy mô chuyên nghiệp, nhưng chị đã nhanh chóng hòa nhập. Trong chương trình Áo dài của chúng ta với chủ đề Thế giới trong tà áo dài Việt Nam, diễn ra ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám vào tháng 4-2021, Huệ Thi có dịp được chiêm ngưỡng hơn 600 bộ áo dài từ 15 bộ sưu tập của 15 nhà thiết kế, lấy ý tưởng đặc trưng từ 15 quốc gia trên thế giới để thực hiện trên nền chất liệu truyền thống của Việt Nam. Hạnh phúc của Huệ Thi là được ngắm các phu nhân đại sứ Ấn Độ, Italy, Lào, Belarus… mặc quốc phục Việt Nam với nụ cười rạng rỡ.
3. Huệ Thi còn tìm tòi, thiết kế áo ngũ thân nhằm đưa trang phục nhà Nguyễn trở lại trong đời sống giới trẻ Việt Nam để nâng niu, tự hào, tôn vinh những đức tính nhân - lễ - nghĩa - trí - tín. “Mọi thứ đã sẵn sàng cho việc trình diễn, ra mắt công chúng. Nhưng rồi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, mọi thứ phải tạm dừng. Sắp tới đây, tôi sẽ đến vùng Tây Bắc, với văn hóa và trang phục của bà con nơi đây, tìm hiểu và đưa vào tà áo dài truyền thống…”, chị tiết lộ dự định.
Huệ Thi cũng khao khát có những buổi trình diễn áo dài ở các trường đại học trong cả nước. Việc làm này, theo chị, nhằm giúp sinh viên, kể cả sinh viên nước ngoài đang học tập tại Việt Nam, được tiếp cận, thấu hiểu, trân quý, giữ gìn và lan tỏa hình ảnh chiếc áo dài Việt Nam. Huệ Thi chia sẻ, chị sẵn sàng hỗ trợ những bạn trẻ đam mê áo dài được thỏa sức sáng tạo. Và để lan tỏa tình yêu áo dài của mình đến với mọi người, Huệ Thi đã tặng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam bộ áo dài trong bộ sưu tập Đờn ca tài tử Nam bộ & Đất nước Việt Nam, do chị thiết kế và từng được trình diễn ở nhiều sân khấu lớn trong cả nước.
Với thơ, Huệ Thi đã có những vần thơ rất đỗi đàn bà bằng nhiều cung bậc xúc cảm khác nhau. Với áo dài, Huệ Thi là một trong những người tiếp nối, khơi nguồn, sáng tạo những giá trị mang hồn cốt dân tộc.