Thắp sáng ngọn lửa nhiệt huyết trong hành trình vươn mình của dân tộc

Hành trình 75 năm không chỉ dừng lại ở ý nghĩa lịch sử mà là cơ hội để mỗi bạn trẻ, học sinh, sinh viên tri ân các thế hệ đi trước bằng hành động thiết thực. Tự hào là “mắt xích” quan trọng tiếp nối truyền thống, đưa phong trào học sinh, sinh viên ngày càng lớn mạnh, thế hệ học sinh, sinh viên ngày nay đang chung tay thắp sáng ngọn lửa nhiệt huyết, nỗ lực khẳng định mình trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Trong khó khăn, ý chí, nghị lực càng trỗi dậy

Những ngày qua, cô Trương Mỹ Lệ (tên thường gọi là cô Tư Liêm), nguyên Quyền Bí thư Thành đoàn, Phó chủ nhiệm thường trực CLB Truyền thống Thành đoàn, tất bật cùng các đồng đội ngày nào chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống phong trào học sinh, sinh viên, với vai trò là “người truyền lửa”.

“Tôi đang chuẩn bị mấy chương trình giao lưu với học sinh, sinh viên của Thành đoàn TPHCM. Mệt nhưng vui và thấy mình còn có ích”, cô Tư Liêm chia sẻ.

Suốt 20 năm qua, Đội văn nghệ CLB Truyền thống Thành đoàn do cô khởi xướng đã miệt mài dùng lời ca tiếng hát của thế hệ đi trước truyền lửa cho thế hệ sau. Cô Tư Liêm cũng dành nhiều thời gian tham gia các buổi giao lưu với học sinh, sinh viên; thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa, tri ân các gia đình có công với cách mạng và tích cực chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào vùng căn cứ kháng chiến…

Trong vai trò cán bộ Thành đoàn, cô học sinh nhỏ nhắn ấy đã hoạt động xuyên suốt từ năm 1960 đến 1975, có mặt trên từng chặng đường, giai đoạn chuyển biến của cách mạng. Trong đó có 2 chiến dịch lớn, đánh dấu son rực rỡ cho ngày đại thắng là chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968 và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 1975.

Nhắc lại 15 năm kháng chiến, cô Tư Liêm vẫn nhớ như in những cuộc hành quân gian khổ, 2 lần bị địch bắt và đòn tra tấn dã man của giặc. Nhớ những mất mát hy sinh, cô Tư Liêm cho biết, kẻ thù càng đàn áp, phong trào càng lên cao. Tình yêu nước, sự căm phẫn với những tội ác của kẻ thù càng làm ý chí, nghị lực của giới trẻ thời đó trỗi dậy.

Đi qua thời bom đạn rồi làm công tác “truyền lửa”, giáo dục truyền thống suốt nửa thế kỷ qua, cô Tư Liêm khẳng định, thanh niên luôn là “ngòi pháo” đi đầu, dù trong thời chiến hay thời bình. Do đó, cô mong muốn giới trẻ ngày nay hãy luôn nỗ lực, tập trung học tập, nghiên cứu, rèn luyện hơn nữa để tiếp nối truyền thống của cha, ông, tiên phong trên mọi mặt trận.

Đồng chí PHẠM CHÁNH TRỰC - nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM, nguyên Bí thư Thành đoàn TPHCM:

Mạnh dạn giao trọng trách cho người trẻ

Những người trẻ, học sinh, sinh viên bây giờ có trình độ kiến thức rất cao, có khả năng làm chủ được khoa học, công nghệ. Theo tôi, học sinh, sinh viên là những người trẻ tuổi, có trình độ, càng phải được tổ chức quan tâm sâu sát. Hội Sinh viên với vai trò là người bạn thân thiết của sinh viên, phải luôn đồng hành, giúp đỡ, hỗ trợ, hướng dẫn sinh viên để các bạn không lầm đường lạc lối trước những cám dỗ. Đảng, Nhà nước luôn dành cho thanh niên, sinh viên niềm tin yêu sâu sắc và sự quan tâm, tạo điều kiện ngày càng tốt hơn.

Thông qua việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên, sinh viên, ban hành nhiều cơ chế, chính sách, nguồn lực nhằm hỗ trợ việc học tập, nghiên cứu, rèn luyện của sinh viên, thúc đẩy phong trào sinh viên, công tác Hội Sinh viên phát triển.

Tôi cho rằng, phải có phong trào tốt mới có cán bộ giỏi. Vì vậy, tôi đề nghị các cấp có thẩm quyền cần mạnh dạn giao những trọng trách cho lớp trẻ, từ đó tạo môi trường cho các em rèn luyện, trưởng thành, trở thành lớp kế cận vừa hồng vừa chuyên.

Chị TRẦN THU HÀ - Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam TPHCM:

Người trẻ sẽ tiên phong tiếp cận tri thức mới

TPHCM đang đứng trước thời cơ, vận hội mới và chuẩn bị hành trang cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Để hiện thực hóa mục tiêu, tầm nhìn đó, đòi hỏi sinh viên không thể đứng ngoài mà phải phấn đấu cùng thành phố.

Sinh viên, học sinh thành phố cần phải trau dồi hơn nữa về đạo đức cách mạng, có trách nhiệm học hỏi để hiểu biết và gìn giữ, phát huy, lan tỏa những giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Sinh viên, học sinh sẽ là những “chiến sĩ” tiên phong trong tiếp cận tri thức mới, tri thức khoa học, làm chủ công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; xung kích, tiên phong trong nhận lãnh những việc khó, việc mới, xung kích tình nguyện vì cộng đồng để tiếp nối ngọn lửa tình nguyện của bao thế hệ sinh viên, thanh niên thành phố.

TS NGUYỄN QUỐC VINH - Trưởng khoa Khoa học cơ bản, Trường Đại học Luật TPHCM:

Tăng cường giáo dục lý luận chính trị cho sinh viên

Theo tôi, trong bối cảnh hiện nay, cần tăng cường giáo dục lý luận chính trị cho sinh viên trong nhà trường để định hướng lý tưởng, tạo điều kiện cho sinh viên có cơ hội tiếp cận sâu hơn vào việc phân tích lý luận, từ đó vận dụng tri thức vào thực tiễn.

Bên cạnh đó, các trường đại học cần hỗ trợ sinh viên tham gia vào các hoạt động chính trị ở cấp địa phương và quốc gia. Đoàn, Hội có thể tổ chức chương trình liên kết với các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan chính quyền hoặc tổ chức phi chính phủ để tạo cơ hội cho sinh viên tham gia vào các hoạt động chính trị.

Các cơ sở giáo dục cũng cần tạo điều kiện cho sinh viên tham gia các phong trào bảo vệ Tổ quốc, hoạt động tìm hiểu về chủ quyền biên giới hải đảo, gặp gỡ nhân chứng lịch sử... Việc tạo môi trường cho sinh viên thảo luận, rèn luyện, trau dồi khả năng tư duy chính trị và phản biện xã hội giúp sinh viên có ý thức chính trị vững vàng, tránh khỏi những tư tưởng sai lệch.

Lan tỏa tinh thần học tập, cống hiến

Những lần được tham gia các chuyến về nguồn thăm ba má phong trào, dự chương trình biểu diễn nghệ thuật, các buổi chia sẻ về truyền thống cách mạng hào hùng của ba má phong trào học sinh, sinh viên, Nguyễn Quốc Trung, sinh viên Khoa hóa học, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM) rất đỗi tự hào. Từ những tấm gương ấy, Quốc Trung soi rọi lại bản thân mình để nỗ lực phấn đấu.

Đang là sinh viên năm 3, Quốc Trung được bạn bè cùng trang lứa nể phục với thành tích “dày cộm”: công bố 11 bài báo trên các tạp chí khoa học quốc tế và quốc gia uy tín; chủ nhiệm 2 đề tài nghiên cứu cấp cơ sở với định hướng sử dụng các sản phẩm tự nhiên trong bảo vệ sức khỏe.

Quốc Trung còn là gương “Sinh viên 5 tốt” tiêu biểu của ĐH Quốc gia TPHCM và trong danh sách 10 tài năng trẻ được trao bảo trợ từ Quỹ bảo trợ Tài năng trẻ TPHCM. Đặc biệt, Quốc Trung là 1 trong 14 gương Công dân trẻ tiêu biểu TPHCM năm 2024 và luôn lan tỏa tinh thần cống hiến, giúp các tài năng trẻ nuôi dưỡng đam mê nghiên cứu.

I3a.jpg
Học sinh, sinh viên TPHCM tham gia phong trào Xuân tình nguyện đến thăm ba má phong trào

Hòa chung với không khí chuẩn bị đón Tết Ất Tỵ, bạn Huỳnh Anh Thư, học sinh lớp 9/2, Trường THCS Nguyễn Du (quận Gò Vấp, TPHCM) tất bật làm những chiếc móc khóa để bán gây quỹ “Gắn kết yêu thương”. Từ năm lớp 2, Anh Thư đã bắt đầu tiết kiệm tiền thưởng, nuôi heo đất để giúp đỡ các bạn khó khăn.

Cũng từ đó, Anh Thư luôn rất ý thức, tích cực tham gia các hoạt động phong trào do trường phát động. Với tinh thần “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ”, không chỉ là học sinh xuất sắc 8 năm liền, Anh Thư còn là gương mặt nổi bật trong công tác Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, là gương Công dân trẻ tiêu biểu TPHCM năm 2023 cùng nhiều đóng góp nâng cao chất lượng hoạt động thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em.

Với vai trò Đại sứ văn hóa đọc TPHCM, nhiệm kỳ 2024-2025, Anh Thư mong muốn có thể tuyên truyền nhiều hơn về văn hóa đọc đến các bạn đồng lứa, góp phần nhân rộng, xây dựng một xã hội đọc văn minh. Hiện Anh Thư còn là thành viên Câu lạc bộ Nhà sử học nhỏ tuổi thuộc Nhà Thiếu nhi TPHCM.

“Em luôn trân trọng, biết ơn sự hy sinh của thế hệ đi trước và tự hứa sẽ luôn cố gắng học tập thật tốt để mai sau góp phần xây dựng đất nước”, Anh Thư bày tỏ.

Ngày 9-1-1950, Đoàn Thanh niên cứu quốc và Đoàn học sinh Sài Gòn - Chợ Lớn đã vận động và tổ chức cho học sinh, sinh viên các trường cùng nhiều giáo viên biểu tình đòi đảm bảo an ninh cho học sinh, sinh viên học tập, trả tự do cho những học sinh, sinh viên bị bắt và mở lại trường học. Đoàn biểu tình đã bị đàn áp dã man và anh Trần Văn Ơn (học sinh Trường Pétrus Ký, nay là Trường Lê Hồng Phong) đã hy sinh.

Cuộc đàn áp đẫm máu ngày 9-1-1950 và tinh thần chiến đấu hy sinh oanh liệt của anh Trần Văn Ơn làm dấy lên trong học sinh, sinh viên và nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn lòng căm thù giặc, ý chí đấu tranh kiên quyết chống thực dân Pháp xâm lược và bè lũ tay sai.

Noi gương và ghi nhận tinh thần đấu tranh bất khuất của anh Trần Văn Ơn và học sinh, sinh viên trong những ngày đầu kháng chiến, Đại hội toàn quốc Liên đoàn Thanh niên Việt Nam lần thứ I tháng 2-1950 tại Việt Bắc đã quyết định lấy ngày 9-1 hàng năm là Ngày truyền thống học sinh, sinh viên.

Tin cùng chuyên mục