Trong lần về Côn Đảo nhân chuyến tri ân do Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức, nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2022), ông Võ Ái Dân lại đến từng ngôi mộ, thắp nén nhang thơm và gọi tên từng đồng đội, đồng chí mà ông biết mặt.
Vào sâu trong khu A của nghĩa trang, ông Dân tìm đến mộ liệt sĩ Đỗ Văn Sũng. Đưa tay lau tấm bia khắc tên người bạn cùng chiến đấu năm nào, ông Dân xúc động: “Tôi lại đến thăm anh đây! Nơi ấy chắc anh đã yên vui vì cháu con đã tìm thấy mộ anh để mà hương khói”. Liệt sĩ Đỗ Văn Sũng và ông từng là bạn chiến đấu chung chuồng cọp tại nhà tù Côn Đảo. Ngày người chiến sĩ cách mạng Đỗ Văn Sũng hy sinh, không ai được tiễn đưa. Ông Dân cũng không biết mộ bạn mình nằm ở đâu tại Côn Đảo. “Mãi 50 năm sau ngày anh Sũng hy sinh, con trai và cháu nội mới tìm thấy mộ tại đây. Tấm bia này được khắc từ đất liền mang ra để tưởng nhớ anh. Tôi mừng vì cuối cùng anh cũng được sum họp với gia đình”, ông Dân rưng rưng.
Trong Nghĩa trang Hàng Dương, ít nhất 10 đồng đội cùng chiến đấu ngày nào với ông Dân đã nằm lại. Ông bảo đồng đội nằm xuống để ông được chứng kiến hòa bình. Gần 14 năm bị giam cầm qua các nhà tù, trong đó gần 11 năm bị giam tại nhà tù Côn Đảo, ông Dân thấm hết các đòn tra tấn hiểm ác của kẻ thù. Nhưng với ý chí kiên cường, ông và nhiều bạn tù đã không gục ngã.
Cũng đi khắp các ngôi mộ trong Nghĩa trang Hàng Dương để thắp nhang cho đồng đội, bà Bùi Thị Son (năm nay 80 tuổi) không khỏi chạnh lòng: “Nhớ ngày nào chúng tôi còn hứa với nhau sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Thế nhưng, các chị lại ra đi khi còn quá trẻ”. Mỗi lần về Côn Đảo, bà Son lại nhớ những đòn hành hạ của kẻ thù. Bà nhớ có đợt trong 5 ngày, bà mất đi 3 đồng đội.
Ngày đồng đội hy sinh, các cựu tù chính trị không được tiễn đưa. Nay hòa bình, có cơ hội họ lại về đây để thắp lên mộ đồng đội mình nén nhang thơm và tỏ lòng thương nhớ.