Tại đây, nghề nuôi cá lồng bè đã giúp người dân đổi đời và mở ra cơ hội phát triển du lịch - dịch vụ nhưng cũng chính sự tự phát nghề nuôi cá chạy theo phong trào đã khiến nhiều ngư dân phải trả giá và nhiều người dân Long Sơn vẫn đang đêm ngày thao thức với ước mơ làm giàu.
Mênh mang làng cá bè
Từ đại lộ Võ Nguyên Giáp rẽ vào đường Trường Sa, chạy khoảng 5km, vượt qua 2 cây cầu bê tông vững chãi bắc qua sông Dinh và sông Chà Và, chúng tôi đã đặt chân đến xã Long Sơn.
Từ trên cầu Chà Và nhìn xuống khung cảnh thật hữu tình với bao la màu xanh rừng ngập mặn của những cây đước, cây mắm đặc trưng bao bọc lấy con sông uốn khúc chạy về phía biển. Trên mặt sông phía thượng lưu và hạ lưu của cây cầu, lồng bè mọc lên san sát kéo dài trên một đoạn sông dài cả hơn một cây số tạo nên một làng nghề đông đúc. Chúng tôi lên bè của anh Nguyễn Công Biên nằm ở trung tâm làng cá thuộc khu 3, xã Long Sơn. Từ đây có thể phóng tầm mắt quan sát toàn bộ hoạt động của làng cá. Trên các bè, thấp thoáng bóng người đi lại cho cá ăn và chốc chốc lại có ghe nhỏ trờ tới giữa hai bên bờ sông đưa người qua lại, chở cá giao cho các khách đặt hàng ở TP Vũng Tàu hoặc xa hơn là TPHCM như tạo nên điểm nhấn cho bức tranh làng cá.
Anh Bùi Đức Bình - Phó Chủ tịch UBND xã giải thích cho chúng tôi cái tên Long Sơn - xưa kia vốn tên là Sơn Long nhưng những bậc tiên hiền đến khai khẩn vùng đất này thấy tên như vậy dịch ra nghĩa là núi đè rồng là không tốt nên bèn đổi thành Long Sơn cho đến ngày nay. Long Sơn có diện tích 92km2, gồm 2 đảo Long Sơn (đảo lớn) và Gò Găng. Trước ngày giải phóng cách đây 43 năm, Long Sơn thuộc tỉnh Phước Tuy; sau giải phóng thuộc huyện Châu Thành (tỉnh Đồng Nai); đến năm 1979 thuộc đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo và từ năm 1991 đến nay thuộc TP Vũng Tàu. Nơi đây được thiên nhiên ban tặng cho các loại hải sản từng làm nên thương hiệu như hàu, sò huyết, cua biển, cá đối bụng, tôm gọng. Do nghề nuôi cá lồng bè phát triển nên kéo theo dân số tăng nhanh, hiện Long Sơn có khoảng 16.000 người (4.000 hộ), tăng 25% so với cách đây 5 năm và có đến 70% dân số sống bằng ngư nghiệp như nuôi trồng, đánh bắt hải sản, làm muối. Cũng nhờ nuôi trồng thủy sản mà tỷ lệ hộ nghèo của xã ngày càng giảm, không còn hộ đói - toàn xã hiện còn 88 hộ nghèo theo chuẩn của tỉnh và 47 hộ cận nghèo theo chuẩn quốc gia.
“Cao thủ”nghề nuôi cá lồng bè
Sinh năm 1972 tại Bình Định, năm 1983, anh Biên cùng gia đình vào TP Vũng Tàu lập nghiệp, từ năm 1989 anh làm công cho các cơ sở chế biến hải sản và đến năm 2007 anh bắt đầu hợp tác với các thương nhân Đài Loan nuôi trồng thủy sản ở xã. Anh nhớ lại: “Thời kỳ đầu, do họ khống chế từ con giống đến đầu ra sản phẩm nên dân địa phương khó học hỏi được nhiều. Đến sau năm 2000, khi cơn bão số 9 đi qua gây thiệt hại cho các thương nhân người nước ngoài thì họ mới bắt đầu bán giống cho người dân nuôi và từ năm 2009 dân trong xã bắt đầu nuôi nhiều. Năm 2012, khi trường Đại học Thủy sản Nha Trang sản xuất được con giống thì bà con trong xã mới nuôi đại trà”. Kinh nghiệm tích góp được từ thời gian làm ăn với thương nhân nước ngoài đã giúp ích rất nhiều cho anh Biên trong hành trình trở thành “cao thủ” của nghề nuôi cá lồng bè. Từ số vốn ít ỏi ban đầu anh mạnh dạn vay mượn, huy động người trong gia đình để nuôi trồng với quy mô lớn nhất trong xã, từ số 120 lồng năm 2011 đến nay anh đã phát triển được 200 lồng trên diện tích 10.500m2 với các sản phẩm chính là cá bớp, cá chim, cá cam, cá hồng (Mỹ) và tôm hùm xanh, giải quyết việc làm cho 10 lao động với thu nhập bình quân từ 6-8 triệu đồng/tháng. Từ tháng 4-2018, anh được một trường đại học của Pháp tài trợ lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, theo dõi các chỉ số oxy, độ pH, độ mặn, nhiệt độ từ máy điện thoại thông minh.
Công việc làm ăn của anh cùng ngư dân xã đảo đang phất lên như “diều gặp gió” trong những năm 2009-2014 bỗng chốc bị điêu đứng do cá chết liên tục trong các năm 2015-2016 trong đó có đợt thiệt hại nặng nhất vào cuối năm 2016 khiến anh lỗ 10 tỷ đồng. Rất may là trong 2 năm 2017-2018 công việc nuôi trồng tương đối thuận lợi nên anh đã gỡ lại phần nhiều và thầm mong “lứa này đừng có gì và chỉ cần giá giữ được như hiện tại thì tui sẽ trả hết nợ”.
Không chỉ anh Biên mà với những ngư dân của làng, chỉ cần cá bớp có giá 210.000 đồng/kg, bình quân cá nuôi xuất chuồng đạt 5 - 6 kg, số lượng bình quân mỗi hộ là 20 lồng, mỗi lồng 200 con thì sau khi trừ chi phí giống, thức ăn, 2 công chăm sóc thì mỗi hộ cũng thu lời được khoảng 400 triệu đồng - một con số đủ đảm bảo cho cuộc sống sung túc cho một gia đình 4 người. Với diễn biến thuận lợi của thời tiết năm nay khi Nam bộ đã bước vào mùa khô thì bà con đang rất phấn khởi vào một cái tết nguyên đán với niềm vui cá sẽ được mùa, được giá, xua tan hết nỗi nhọc nhằn của 2 năm cá chết liên tục trước đó.
Mơ về du lịch
Khi nghề nuôi cá lồng bè phát triển rầm rộ thì cũng là lúc xã thu hút được một lượng lớn khách du lịch (DL) đến tham quan tìm hiểu nghề nuôi hải sản lồng bè và thưởng thức hải sản tươi sống. Một số hộ đã nhanh chóng mở thêm nhà hàng để phục vụ khách và mơ về một tour DL đường sông từ TP Vũng Tàu ngược sông Chà Và để biến Long Sơn thành một điểm đến lý tưởng của ngành DL Bà Rịa - Vũng Tàu. Nhưng cho đến nay giấc mơ làm giàu từ nuôi cá và DL ấy vẫn dang dở khi người dân đang phải trả giá cho sự phát triển tự phát của chính họ. Trừ anh Biên và một số ít người có kinh nghiệm, có vốn liếng vẫn còn bám trụ với nghề thì phần đông đã treo lồng lên bờ nghỉ vì hết vốn. Anh Biên quả quyết: “Anh thấy vậy chứ chỉ có xác bè không thôi, số hộ còn thực nuôi chỉ còn khoảng 30%”. Nếu đối chiếu với con số 287 hộ nuôi vào thời điểm cao nhất thì hiện chỉ còn chưa đến 90 hộ còn theo nghề - Một sự thật phũ phàng ít ai nghĩ tới.
Từ năm 2016, trước nguy cơ ô nhiễm gia tăng từ các nguồn thải khác nhau trong đó có thức ăn thải ra từ việc nuôi cá quá dày, vi phạm hành lang dòng chảy đã buộc UBND xã phải áp dụng biện pháp tạm thời là không cho ra thêm lồng bè và lên kế hoạch di dời khoảng 100 hộ đi nơi khác. Nhưng kế hoạch đó đến nay vẫn nằm trên giấy.
Buổi trưa trên sông, ngồi trên một nhà hàng nổi ở giữa làng bè gió thổi từ lòng sông mát rượi, nhiều nhóm du khách thỏa thích thưởng thức các món hải sản tươi sống của làng cá Long Sơn. Câu chuyện của chúng tôi càng bị lôi cuốn bởi các ý tưởng phát triển DL - dịch vụ và cơ hội đang mở ra với người dân xã đảo xưa kia khi dự án nhà máy lọc hóa dầu Long Sơn đang sắp được triển khai. Nhưng để hiện thực hóa được giấc mơ làm giàu từ DL và nuôi trồng thủy sản thì Long Sơn phải giải quyết được bài toán ô nhiễm. Trước mắt, các ngành chức năng của tỉnh và TP Vũng Tàu cần có một dự án chuyển đổi nghề cho người dân Long Sơn với mục tiêu giảm khoảng 30% - 50% số lồng bè và dạy nghề cho người dân địa phương, nhất là thanh niên để giúp Long Sơn phát triển bền vững, trở thành điểm đến DL hàng đầu của vùng Đông Nam bộ.