Khả quan nhưng vẫn lo
Phân tích hình hình thu hút đầu tư trên địa bàn thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cho biết, từ đầu năm đến nay, tính chung cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và vốn thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong các doanh nghiệp (DN) trong nước, TPHCM thu hút được 2,77 tỷ USD, tăng 49% so với cùng kỳ.
Thế nhưng, xét về cơ cấu ngành nghề đầu tư cho thấy, phần lớn dự án và vốn đầu tư tập trung vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản - chiếm tới 46,7%. Còn lại, lĩnh vực khoa học và công nghệ - chiếm 23,4%; bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác chiếm 16,8%; công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 5,3%; thông tin và truyền thông chiếm 4,3%...
Nói thêm về vấn đề này, Sở Công thương TPHCM cho biết, từ đầu năm đến nay, ngành chế biến, chế tạo có mức thu hút đầu tư giảm mạnh nhất. Toàn ngành thu hút 1.250 DN, giảm 0,64% so với cùng kỳ. Vốn đăng ký chỉ đạt xấp xỉ 271 triệu USD, giảm 11,01% so với cùng kỳ.
Các nhà đầu tư Nhật Bản (vốn dẫn đầu trong đầu tư ngành chế biến, chế tạo tại TPHCM nhiều năm qua) cũng đang có xu hướng dịch chuyển đầu tư sang tỉnh Bình Dương. Hiện DN Nhật Bản đang đứng vị trí thứ 2 về đầu tư tại tỉnh Bình Dương với gần 300 dự án và tổng số vốn đầu tư khoảng 5,2 tỷ USD, trong đó phần lớn là DN sản xuất chế biến, chế tạo.
Đồng bộ từ hạ tầng đến thủ tục hành chính
Trên thực tế, môi trường đầu tư của TPHCM đang phát sinh nhiều bất cập. Theo đó, cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ với phát triển kinh tế. Những vấn đề như ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường, thủ tục hành chính rườm rà, chi phí sản xuất không chính thức… chưa được cải thiện hiệu quả.
Tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, hạ tầng cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng. Hệ thống tiếp nhận và xử lý chất thải không đáp ứng yếu tố an toàn cho môi trường. Toàn thành phố có 16 khu chế xuất, khu công nghiệp, tỷ lệ lấp đầy đầu tư chỉ hơn 60%, nhưng lại lấp đầy theo kiểu da beo. Điều này dẫn đến hệ quả là DN đang đầu tư khó có khả năng mở rộng quy mô sản xuất; còn DN mới lại không đủ quỹ đất rộng để đầu tư.
Ban Quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp TPHCM cho biết thêm, hiện vẫn còn rất nhiều DN đang hoạt động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp chưa nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, dù công ty đã đóng tiền thuê đất đầy đủ cho chủ đầu tư. Điều này cũng gây tâm lý e ngại cho DN mới muốn đầu tư tại thành phố. Trong khi đó, sự trỗi dậy của các địa phương lân cận với hạ tầng hoàn thiện tốt hơn, đầu tư đồng bộ hơn, giá thuê thấp hơn… đã tăng khả năng cạnh tranh với TPHCM trong hoạt động thu hút đầu tư.
TPHCM cần gấp rút nâng cấp, cải thiện hạ tầng giao thông, kho vận và cảng, tạo thuận lợi cho hoạt động logistics nhằm giảm chi phí, thời gian vận chuyển cho DN. Song song đó, thực hiện hậu kiểm tính hiệu quả của các chính sách hỗ trợ DN đã ban hành, hiệu quả của cải cách thủ tục hành chính… Tránh tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Hệ quả là DN vẫn bị hành vì thủ tục hành chính và không thể tiếp cận chính sách ưu đãi đầu tư hoặc hỗ trợ vốn vay. |
Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho rằng thành phố thành lập các khu chế xuất, khu công nghiệp từ khá lâu và để phù hợp với tình hình phát triển hiện nay, cần phải chuyển đổi để hình thành những khu công nghiệp chuyên sâu, có tính liên kết theo từng chuỗi cung ứng.
Để cải thiện môi trường đầu tư, thành phố cần tập trung rà soát lại toàn bộ tình hình đầu tư của DN tại khu chế xuất, khu công nghiệp. Từ đó, tạo cơ sở để chấn chỉnh, xây dựng, thu hút và bố trí DN đầu tư vào khu chế xuất, khu công nghiệp chuyên sâu, đáp ứng xu hướng đầu tư mới.