Báo cáo với đoàn công tác, đại diện Big C Việt Nam cho biết, thời gian qua, đơn vị đã thực hiện các chương trình đồng hành và quảng bá hàng Việt Nam thông qua hệ thống cho khách hàng. Bên cạnh đó, đơn vị đã hỗ trợ nhà sản xuất bằng việc thu mua sản phẩm tại địa phương, sinh kế cộng đồng, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; tổ chức kết nối cung cầu với nhà sản xuất; tổ chức tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan; tuần lễ nông sản Việt Nam...
Trong quá trình hoạt động, phía Big C Việt Nam nhận thấy, điểm yếu cốt lõi của sản phẩm Việt Nam là thị trường, kênh tiêu thụ. Đáng chú ý, trong quá trình hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp, phía quản lý nhà nước chỉ dừng lại ở góc độ kỹ thuật, sản xuất nhưng bỏ ngỏ khâu thị trường. Trong khi đó, hầu hết nông dân và khoảng 80% doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong sản xuất kinh doanh hàng nông sản thực phẩm khá lúng túng khi tìm đầu ra là thị trường tiêu thụ. Đây cũng là nguyên nhân khiến tình trạng “được mùa mất giá, giải cứu nông sản” cho bà con vẫn “đến hẹn lại lên”, chưa có lối thoát hiệu quả. Trước thực trạng hiện nay, phía Big C Việt Nam kiến nghị Nhà nước không nên dàn trải mà cần tập trung phát triển các sản phẩm có lợi thế so sánh, thế mạnh và đặc sản của địa phương để tạo ra sự khác biệt.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Thị Dung cho biết, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” bên cạnh việc khơi gợi và xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt và lòng tự tôn dân tộc đối với hàng Việt Nam, mục đích hướng tới là giúp sản xuất Việt Nam nâng cao tính cạnh tranh nhằm phục vụ tiêu dùng lẫn xuất khẩu. Vì vậy, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, trong 10 năm qua Thành ủy TPHCM đã thành lập Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Theo đó, qua mỗi giai đoạn gắn với một lĩnh vực, nội dung trọng tâm để TPHCM thúc đẩy cuộc vận động này. Cụ thể, giai đoạn đầu, TP chọn chương trình bình ổn thị trường để đảm bảo nguồn hàng và nhu cầu đời sống người dân; giai đoạn 5 năm trở lại đây, chương trình vừa thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và gắn với an toàn thực phẩm.
Chiều cùng ngày, Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ) TPHCM do đồng chí Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, Trưởng ban Chỉ đạo CVĐ đã có buổi làm việc với Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) hướng tới triển khai Chương trình “Chắp cánh hàng Việt” tại các hệ thống phân phối trên địa bàn.
Phát biểu buổi làm việc, đồng chí Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM kết luận, không chỉ thiết thực hưởng ứng và triển khai CVĐ một cách triệt để, mà Saigon Co.op còn tích cực tham gia chương trình bình ổn thị trường giá ngay từ những ngày đầu còn nhiều khó khăn cho đến hiện tại. Với hệ thống siêu thị trải dài nhiều, Saigon Co.op rất thuận lợi vai trò lớn trong việc dẫn dắt tiêu dùng, dẫn dắt sản xuất; nên cần phải liên kết với doanh nghiệp để đặt hàng sản xuất theo nâng cao thêm tiêu chuẩn, tăng cường các sản phẩm đặc trưng vùng miền, đồng thời hướng đến xuất khẩu. Năm 2019, khi triển khai chương trình “Chắp cánh hàng Việt”, siêu thị phải có kế hoạch cụ thể hơn.