Tại buổi kết nối, đại diện Bộ Công thương cho biết, sự kiện lần này đã thu hút 530 đơn vị đại diện cho 550 thương hiệu đến từ 17 quốc gia và vùng lãnh thổ như: Bangladesh, Trung Quốc, Pháp, Đức, Hồng Công, Ấn Độ, Nhật Bản, Malaysia, Nigeria, Romania, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh và Việt Nam. Qua việc tham gia và ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), Việt Nam đã trở thành điểm đến lý tưởng cho hoạt động đầu tư và sản xuất.
Hơn nữa, để đảm bảo sự phát triển bền vững doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may, Chính phủ Việt Nam đã liên tục ban hành nhiều chính sách khuyến khích và hỗ trợ hoạt động nâng cấp thiết bị, máy móc cho các doanh nghiệp sản xuất, nhất là doanh nghiệp sản xuất nguồn nguyên phụ liệu dệt may. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư và phát triển dài hơi.
Ông Nguyễn Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may và Thêu đan TPHCM, nhận xét có đến 60% nguyên liệu sản xuất ngành dệt may phải phụ thuộc nguồn nhập khẩu. Trường hợp doanh nghiệp đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu sẽ được hưởng chính sách ưu đãi về chi phí thuê đất, thuế nhập khẩu trang thiết bị máy móc, dây chuyền sản xuất, thuế thu nhập doanh nghiệp… Đây là cơ hội rất lớn để doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào phân khúc này.
Hiện Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu dệt may lớn thứ 3 thế giới, với mức tăng trưởng xuất khẩu khoảng 10,8%/năm. Riêng trong năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may dự báo đạt hơn 40 tỷ USD.