Tại TPHCM cũng như nhiều tỉnh, thành khác ở phía Nam, bên cạnh lực lượng thu gom, vận chuyển rác do các đơn vị dịch vụ công ích phụ trách còn có lực lượng thu gom, vận chuyển rác dân lập (tại TPHCM, lực lượng này chuyên chở khoảng 60% lượng rác thải của thành phố).
Lực lượng này chủ yếu thu gom rác ở các hẻm và tuyến đường nhỏ. Tuy nhiên, đa số họ có thu nhập rất thấp, không đủ khả năng đầu tư đổi mới phương tiện thu gom, chủ yếu sử dụng thùng kéo gắn với xe máy 2 bánh cũ kỹ.
Người lao động “ba không”
Gần 30 năm trong nghề thu gom rác, anh Lê Văn Út, người thu gom rác dân lập ở phường 10, quận 3, TPHCM tâm sự: “Chúng tôi đang làm việc trong hoàn cảnh “ba không” mặc dù công việc luôn phải tiếp xúc với ô nhiễm từ rác thải: không hợp đồng lao động, không bảo hiểm xã hội, không bảo hiểm y tế”. Cũng theo anh Út, thu nhập mỗi tháng của anh khoảng 4 triệu đồng nên gia đình anh luôn rơi vào tình cảnh thiếu trước, hụt sau.
Hiện nay, tại TPHCM, phí thu gom rác thải mỗi hộ gia đình phải trả khoảng 45.000-60.000 đồng/tháng, tùy khu vực. Tuy nhiên, hầu hết số tiền thu được thuộc về đầu mối quản lý của đường dây thu gom gác. Người lao động trực tiếp thu gom rác như anh Út được trả công khá thấp nên phải kiếm thêm thu nhập từ việc nhặt ve chai trong phần rác mà họ thu gom. Thế nên mới có cảnh xe rác dân lập luôn treo thêm mấy túi ni lông để đựng ve chai.
Ông Phạm Văn Khanh, Giám đốc Hợp tác xã Môi trường quận 5, đánh giá, cuộc sống người trực tiếp thu gom rác dân lập hiện nay vô cùng khó khăn dù họ là mắt xích quan trọng trong việc thu gom rác, làm sạch môi trường. Mức giá thu gom rác hiện nay là 464 đồng/kg đã quá lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu thực tế cuộc sống, đồng nghĩa với việc thu nhập của người lao động không tăng. Bên cạnh đó, việc khuyến khích lực lượng thu gom rác dân lập vào hợp tác xã cũng chưa thực sự hiệu quả vì chưa có nhiều chính sách hỗ trợ cho hợp tác xã.
Người thu gom rác dân lập muốn vào hợp tác xã phải góp vốn từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng, hàng tháng phải đóng 5% phí trên nguồn thu. Do đó, theo ông Phạm Văn Khanh, thành phố cần có những chính sách hỗ trợ thiết thực hơn nữa, nhất là cho các hợp tác xã môi trường vì đây là đầu mối quan trọng để tập hợp các đường dây thu gom rác thải.
Tìm cách quản lý mới
Với khoảng 65%-85% lực lượng trực tiếp thu gom rác là người không có hộ khẩu tại TPHCM nên họ ít khi nhận được hỗ trợ của ngành chức năng và chính quyền địa phương. Trong khi đó, chủ nhiều đường dây thu gom rác rất ít khi xuất hiện để chính quyền địa phương và ngành chức năng có thể đối thoại.
Trong chức trách của mình, nhiều lần Sở TN-MT TPHCM và chính quyền một số địa phương đã làm việc với các đầu mối thu gom rác dân lập nhằm sắp xếp, tổ chức lại hoạt động nhưng chưa đạt được nhiều kết quả như mong đợi.
Một chuyên gia về môi trường nhận định, các chính sách hỗ trợ lực lượng rác dân lập sẽ đến đúng địa chỉ nếu chủ các đường dây thu gom rác đưa ra được mô hình hoạt động phù hợp và đảm bảo sử dụng lao động đúng quy định của Nhà nước. TPHCM có thể đưa ra thời gian cụ thể để các chủ đường dây thu gom rác chuyển đổi mô hình phù hợp, nếu không đáp ứng được sẽ phải dừng hoạt động. Có như vậy mới vừa đảm bảo quyền lợi người lao động, vừa tạo cơ sở cho việc đầu tư, đổi mới phương tiện thu gom rác.
“Với một thành phố đang xây dựng nếp sống văn minh, thân thiện với môi trường, không thể chấp nhận tình trạng xe ba gác chở rác cũ kỹ, rách nát, không che chắn, bốc mùi hôi chạy khắp các nẻo đường như hiện nay. Quan trọng hơn nữa, nếu phương tiện thu gom rác không có ngăn đựng riêng từng loại rác thì việc phân loại rác tại nguồn của người dân sẽ trở thành công cốc”, một chuyên gia môi trường nhìn nhận.
Đành rằng, người thu gom rác dân lập hiện nay vẫn thu nhặt các loại rác có thể tái chế để bán ve chai nhưng cơ bản họ chỉ nhặt một số loại dễ bán như giấy, nhựa cứng, các loại rác còn lại vẫn đổ chung. Việc này ảnh hưởng rất tiêu cực tới hoạt động tái chế rác về sau.
Ở góc độ quản lý nhà nước, Sở TN-MT TPHCM cho biết, qua quá trình làm việc với lực lượng thu gom rác dân lập có thể thấy nhiều đầu mối không mặn mà chuyển đổi mô hình vì lo ngại sẽ phải thực hiện thêm nhiều quy định như báo cáo thuế, báo cáo thống kê, thực hiện chế độ bảo hiểm cho người lao động.
Bên cạnh đó, họ cũng ngại chuyển đổi lên mô hình tổ chức có tư cách pháp nhân vì mức phạt hành chính về vi phạm các quy định trong lĩnh vực vệ sinh, lao động… của tổ chức gấp 2 lần cá nhân. Chưa kể, hoạt động thu gom rác dân lập ở nhiều nơi mang tính tự phát và đã được sang nhượng qua nhiều đời chủ nên rất khó để tiếp cận họ.
Theo thống kê của Sở TN-MT TPHCM, hiện thành phố có khoảng 4.200 người thu gom rác dân lập và đây cũng là lực lượng không thể bỏ quên trong quá trình thực hiện phân loại rác tại nguồn.