Khẩn trương thi công cầu bộ hành
Dù là ngày cuối tuần nhưng tại công trường thi công cầu vượt bộ hành nối ga Khu công nghệ cao (TP Thủ Đức) với tuyến metro số 1, không khí làm việc hết sức tất bật. Từ sáng sớm, hàng chục công nhân đã vào vị trí thực hiện các công đoạn làm trụ móng; cắt, uốn thép; lắp ghép ván đà, dầm... Phần cứng của công trình cầu đã dần hình thành với nhiều móng, cọc vươn lên.
Có mặt trên công trường, kỹ sư Dương Tuấn Thành cho biết, những ngày qua, đơn vị tập trung đẩy nhanh tiến độ chạy đua với thời gian để kịp hoàn thành khi tuyến metro vận hành. Ngày cao điểm, công trình có đến 60 công nhân, kỹ sư làm việc.
Khi cầu bộ hành hoàn thành, người dân, sinh viên và công nhân từ phía Khu công nghệ cao thuận tiện đi bộ tới ga metro mà không phải băng qua xa lộ Hà Nội. Cách đó không xa, tại ga Phước Long và ga Bình Thái (TP Thủ Đức), không khí thi công các hạng mục kết nối với tuyến metro cũng đầy khẩn trương...
MAUR đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cầu bộ hành kết nối các ga metro số 1 (ảnh: ga Bình Thái, TP Thủ Đức) |
Ông Nguyễn Quốc Hiển, Phó Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM (MAUR), cho biết, về tổng thể MAUR đang gấp rút hoàn thiện các công đoạn còn lại của các hạng mục kết nối metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Trước tiên, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cầu bộ hành kết nối đồng bộ với các nhà ga.
Theo thiết kế, toàn tuyến sẽ có 9 cầu bộ hành, mỗi cây cầu dài hơn 70m, rộng 3,5m, kết nối từ tầng trung chuyển khách của nhà ga với khu dân cư, trạm xe buýt bên cạnh. Những cây cầu này còn là hướng thoát hiểm chính của nhà ga trong trường hợp khẩn cấp. Hiện tại, cầu bộ hành tại 4 nhà ga gồm Tân Cảng, Rạch Chiếc, Phước Long và Khu công nghệ cao đang được xây dựng.
Các cầu bộ hành tại 5 ga còn lại gồm Thảo Điền, An Phú, Bình Thái, Thủ Đức và Đại học Quốc gia TPHCM, MAUR đang tích cực phối hợp cùng các bên liên quan để hoàn tất việc di dời hạ tầng kỹ thuật, sớm bàn giao mặt bằng cho nhà thầu xây dựng. Nếu mặt bằng được bàn giao trong tháng 6 này, các cầu bộ hành sẽ hoàn thành vào cuối năm, cùng tiến độ với tuyến metro số 1.
Đối với hạng mục kết nối ga Bến Thành với Dự án Khu tứ giác Bến Thành của Công ty TNHH Saigon Glory (liên quan lối lên xuống F4, F5 của ga Bến Thành, quận 1), MAUR kiến nghị Sở Xây dựng sớm báo cáo đề xuất UBND TPHCM phương án tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình phối hợp giữa hai dự án, tạo điều kiện triển khai thực hiện các công đoạn thi công còn lại.
Cần kinh phí để tổ chức vận hành
Trừ các hạng mục đang tổ chức thi công nói trên, các hạng mục gồm nhà ga Bến Thành, ga Nhà hát thành phố, ga Ba Son đã cơ bản hoàn thành hệ thống kỹ thuật, sẵn sàng phục vụ vận hành tuyến metro số 1. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số vướng mắc cần sớm tháo gỡ, như: các khiếu nại của nhà thầu chưa được giải quyết triệt để; tăng số lượng tiêu chuẩn kỹ thuật phức tạp; các phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện hợp đồng (Phụ lục Hợp đồng số 19; chỉ số giá cho gói thầu số 1b; hạng mục kết nối lối lên xuống F4, F5 của nhà ga trung tâm Bến Thành)…
Một vấn đề khó khăn nữa liên quan đến công tác chuẩn bị vận hành tuyến metro số 1 là nguồn vốn. Ông Nguyễn Quốc Hiển cho biết, MAUR đã kiến nghị UBND TPHCM xem xét, báo cáo Ban cán sự đảng UBND TPHCM và Thường trực Thành ủy để Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 được tiếp tục tạm mượn 16 tỷ đồng từ nguồn quỹ dự trữ ngân sách Đảng của Đảng bộ thành phố, nhằm có kinh phí phục vụ cho việc chuẩn bị nhân sự như tiếp nhận đào tạo chuyển giao công nghệ, trả nợ các khoản bảo hiểm xã hội, trả lương cho người lao động…
Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 sẽ hoàn trả ngay các khoản khi được cấp kinh phí hoạt động. Bên cạnh đó, sớm xem xét, chấp thuận ủy quyền cho MAUR tổ chức thực hiện đặt hàng công tác quản lý và bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị trong giai đoạn chưa kết thúc dự án (từ năm 2024-2028) theo Quyết định 65/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Sở Tài chính chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan đề xuất các thủ tục để bố trí kinh phí cho công tác quản lý và bảo trì kết cấu đường sắt đô thị, đảm bảo hoàn thành cuối năm nay.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Quốc Hiển, Sở GTVT phối hợp MAUR và Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 để đề xuất các nội dung liên quan đến đặt hàng, nguồn vốn, hợp đồng đối với công tác vận hành khai thác tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, nhằm đảm bảo theo tiến độ đề ra.
Tháo gỡ giải phóng mặt bằng cho tuyến metro số 2
Đối với tuyến tàu điện ngầm số 2 (Bến Thành - Tham Lương), MAUR đề nghị Tổ công tác sớm xem xét tham mưu UBND TPHCM tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư trên địa bàn quận 3 và bàn giao mặt bằng số 56 đường Trường Chinh, quận Tân Bình để triển khai dự án. Các sở ngành, đơn vị phải khẩn trương di dời hạ tầng kỹ thuật viễn thông bị ảnh hưởng bởi dự án.
Hiện nay, khó khăn của tuyến này là việc điều chỉnh thời gian thực hiện chưa hoàn tất dẫn đến việc gia hạn các thỏa thuận vay và khoản vay mới với Ngân hàng Tái thiết Đức chưa được triển khai; đơn vị Tư vấn IC đột ngột chấm dứt hợp đồng làm phát sinh nhiều vấn đề, dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện dự án hơn so với kế hoạch ban đầu; công tác phê duyệt dự toán chi phí bồi thường và tổ chức lựa chọn nhà thầu kéo dài.