Nhiều lãnh đạo quận huyện, trung tâm y tế cho rằng, dù theo phương án nào thì vẫn cần đảm bảo sự chỉ đạo thống nhất xuyên suốt về chuyên môn, nghiệp vụ của ngành y tế; đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, trước hết là bảo đảm đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực đến công tác phòng chống dịch và khám chữa bệnh cho nhân dân.
Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân LÊ THỊ NGỌC DUNG: Huy động nguồn lực đầu tư từ xã hội hóa
Trước đây, trung tâm y tế quận huyện là đơn vị trực thuộc quản lý của UBND cấp huyện, nhưng sau khi tổ chức lại thì trực thuộc quản lý của Sở Y tế TPHCM kể từ tháng 6-2020. Việc Sở Y tế TPHCM mới có quyết định giao trung tâm y tế về lại cho quận huyện quản lý, theo tôi phù hợp với thực tế, bởi trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, y tế cơ sở bộc lộ nhiều khó khăn từ công tác quản lý đến thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Hệ thống y tế cơ sở và y tế dự phòng chưa được đầu tư nguồn lực đúng mức để sẵn sàng ứng phó khi bệnh mới nổi, bùng phát và lan rộng trên toàn thành phố, dẫn đến quá tải và vượt ngưỡng năng lực điều trị tại các cơ sở cách ly điều trị.
Khi được bàn giao quản lý, quận Bình Tân sẽ chủ động hơn trong việc huy động nguồn lực đầu tư xây dựng, sửa chữa cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đến nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở, phục vụ tốt nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của nhân dân; thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay chân miệng, dịch Covid-19…
Giám đốc Trung tâm Y tế quận Gò Vấp, TS-BS NGUYỄN TRUNG HÒA: Chủ động trong phòng chống dịch và khám chữa bệnh
Trung tâm y tế được giao về cho quận huyện và TP Thủ Đức quản lý sẽ có nhiều thuận lợi. Ngoài sự chỉ đạo, quản lý trực tiếp về tổ chức, nhân lực, hoạt động, tài chính và cơ sở vật chất từ UBND quận huyện, TP Thủ Đức, trung tâm y tế còn được kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Sở Y tế TPHCM và các đơn vị y tế tuyến thành phố, trung ương theo quy định của pháp luật. Trung tâm y tế còn có thể nâng số phòng, khoa chuyên môn, đáp ứng được công tác phòng chống dịch và thực hiện gần 20 chương trình mục tiêu quốc gia như phòng chống bệnh bại liệt, ho gà, uốn ván… Những phòng, khoa chuyên môn mới được bổ sung như: Phòng điều dưỡng; Quản lý chất lượng; Hồi sức cấp cứu; Nội tổng hợp, Ngoại tổng hợp đến các khoa Nhi;
Ngoài ra, trong khi chờ Bộ Y tế ban hành văn bản hướng dẫn vị trí việc làm đối với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành y tế, trung tâm y tế sẽ chủ động xây dựng đề án việc làm trình UBND quận huyện phê duyệt; hàng năm xây dựng cơ cấu chức danh nghề nghiệp, xác định số lượng người làm việc, báo cáo UBND quận huyện xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật bảo đảm thực hiện nhiệm vụ được giao.