Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP, bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta vẫn còn nhiều vấn đề phải giải quyết. Đây cũng là lý do Chính phủ tổ chức hội nghị này để đánh giá, phân tích những ưu khuyết điểm, từ đó đề ra những giải pháp sẽ làm trong thời gian tới.
Tuy nhiên, phải thấy rằng việc giải ngân nguồn vốn đầu tư còn nhiều bất cập. Các dự án tuyến kè chống sạt lở những khu vực xung yếu được cấp vốn chậm hoặc cấp chưa đầy đủ. Các chính sách thu hút đầu tư doanh nghiệp trong và ngoài nước, nhất là đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng giao thông, thủy lợi, cấp nước, chế biến nông thủy hải sản… dù có nhưng chưa thực sự hấp dẫn nhà đầu tư. Toàn vùng hiện có chưa tới 2.000 nhà đầu tư trong và ngoài nước, chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn trong tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam. Thực tế này cũng gây ảnh hưởng nhất định đến việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất kinh tế của vùng.
Các tuyến giao thông có tính chất huyết mạch, kết nối các tỉnh trong vùng, kết nối cùng với khu vực TPHCM và Campuchia, chưa được đầu tư đồng bộ, thông suốt. Rất nhiều dự án còn đang phải trình và chờ được Chính phủ, Quốc hội, cũng như tổ chức tài chính xem xét phê duyệt kinh phí, nên có nguy cơ kéo dài tiến độ đầu tư.
Về vấn nạn sạt lở bờ sông, bờ biển, xâm nhập mặn, hạn hán, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết đang diễn biến rất nghiêm trọng. Ước tính trung bình xói lở đã làm mất 300ha đất, rừng ngập mặn ven biển mỗi năm. Toàn vùng cũng xác định có 564 điểm sạt lở với tổng chiều dài trên 834km, tập trung chủ yếu dọc sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây và các nhánh chính của hệ thống kênh rạch. Cùng với đó, phạm vi xâm nhập mặn ở các cửa sông ngày càng sâu. Năm 2012, ranh mặn 4g/l chỉ vào 35 - 60km nhưng hiện nay, ranh mặn đã đẩy sâu đến 90km.
Bên cạnh đó, tình hình mưa lũ có xu hướng đến muộn hơn (tháng 10) so với trước năm 2000 (tháng 8). Thời gian xâm nhập mặn có xu hướng xuất hiện sớm hơn trước từ 1 đến 1,5 tháng. Đặc biệt, sự phát triển nhanh hệ thống thủy điện khu vực thượng nguồn sông Mê Công trong những năm gần đây đã khiến dòng chảy thượng nguồn đầu mùa khô về thấp, xâm nhập mặn diễn ra sớm hơn, khoảng tháng 12, trong khi theo quy luật là đầu tháng 4 - thời điểm dòng chảy kiệt nhất…
Hiện ĐBSCL đóng góp đến 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 60% sản lượng cá xuất khẩu, 70% sản lượng trái cây và 95% lượng gạo xuất khẩu… Do đó, ĐBSCL có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của cả nước. Tuy nhiên, tình trạng BĐKH đang đe dọa sự tồn tại của các tỉnh thành, uy hiếp trực tiếp tài sản, tính mạng của người dân khu vực này.
Để có thể giữ ổn định và phát triển kinh tế vùng ĐBSCL, các đại biểu cho rằng, cần phải có gói tài chính đủ mạnh và riêng biệt để đầu tư giải pháp công trình và phi công trình vùng ĐBSCL. Nguồn vốn ngân sách để tạo gói tài chính này cần thiết phải có sự hỗ trợ từ trung ương, vốn từ các địa phương - chiếm số ít do ngân sách các tỉnh thành còn gặp nhiều khó khăn, và nguồn vốn huy động từ các đối tác phát triển, tổ chức và quỹ tài chính quốc tế.
Ở góc độ khác, lãnh đạo các tỉnh thành cho rằng, trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách đang gặp nhiều khó khăn, cần xác định định hướng ưu tiên đầu tư. Trước mắt cần đầu tư kinh phí xây dựng hệ thống kè biển ở những điểm xung yếu, có nguy cơ sạt lở cao nhằm giảm sạt lở diện rộng. Giải pháp này cũng sẽ tránh tình trạng phát hiện trễ, khắc phục lâu làm đội chi phí đầu tư.
Một vấn đề quan trọng khác là phải đẩy nhanh tiến độ đầu tư các trục giao thông tuyến dọc, tuyến ngang và hệ thống giao thông thủy kết nối vùng ĐBSCL với TPHCM và vùng ĐBSCL với Campuchia để tăng khả năng kết nối vùng.
Bên cạnh đó, cần thiết phải đầu tư cảng lớn, cảng nước sâu tạo động lực lớn cho ĐBSCL không chỉ giải quyết xuất khẩu nông sản mà tạo tiền đề cho một số vùng không còn sản xuất nông nghiệp hiệu quả chuyển sang đầu tư cụm công nghiệp, tạo công ăn việc làm cho người dân, tạo thu nhập, ổn định dân cư.
Cũng theo nhìn nhận của các chuyên gia, để đẩy nhanh phát triển vùng ĐBSCL theo hướng bền vững và chủ động ứng phó với BĐKH, cần thiết phải thành lập hội đồng vùng do Thủ tướng Chính phủ là chủ tịch vùng. Đồng thời, có một phó thủ tướng chuyên trách, thường trực theo dõi và chỉ đạo sát sao hoạt động vùng để duy trì lộ trình đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển của vùng. Đây là nền tảng hiệu quả triển khai quy hoạch, đầu tư dự án liên kết vùng.
Kết nối trục dọc như cao tốc TPHCM - Cần Thơ; trục hành lang ven biển phía Đông thông qua QL50, QL60, QL1. Nếu hoàn thành sớm sẽ hỗ trợ ĐBSCL phát triển tốt hơn rất nhiều so với các trục đường khác. Ngoài ra, ưu tiên đường Vành đai 3, 4 TPHCM không chỉ giúp cho TPHCM mà còn giúp các tỉnh thành miền Đông và Tây Nam bộ kết nối với các trục dọc đảm bảo kết nối Đông - Tây, kết nối cảng biển và tạo điều kiện phát triển bền vững. Do đó, có thể nói rằng các trục này sẽ có ưu tiên nhiều hơn để đầu tư hoàn chỉnh kết nối thông suốt. ĐBSCL cũng cần được đầu tư 3 trục ngang để kết nối với các trục dọc đảm bảo tốt. Một là cao tốc Trà Vinh - Tiền Giang - Đồng Tháp nối qua Campuchia. Kế đến là cao tốc thứ 2 nối từ Sóc Trăng - Cần Thơ - An Giang qua Campuchia. Đây là đường cao tốc liên tỉnh quốc tế nếu hình thành được cảng nước sâu ở ven biển phía Đông sẽ tạo sự kết nối bền vững cả vùng ĐBSCL. Đường cao tốc thứ 3 Bạc Liêu - Kiên Giang và Campuchia. Quan trọng hơn, đầu tư đến đâu đồng bộ đến đó và theo tiêu chuẩn quốc tế chứ không kiểu chắp vá như trước đây. Riêng QL1 là trục xương sống từ TPHCM đến Cà Mau đóng vai trò chính cho cả ĐBSCL hiện nay hư hỏng nghiêm trọng, đề nghị Chính phủ cần ưu tiên nâng cấp. |
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Nhận thức rõ “nguy cơ” để biến thành “cơ hội” phát triển ĐBSCL
Kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Việt Nam hiện đang là một trong 10 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất về biến đổi khí hậu (BĐKH). Tính đến nay đã có 1,7 triệu người di cư khỏi vùng ĐBSCL, gấp đôi trung bình cả nước. Do đó, việc ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP thể hiện quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị trong việc đẩy mạnh phát triển vùng ĐBSCL theo hướng chủ động thích ứng với BĐKH.
Tuy nhiên, để có thể thực hiện thành công mục tiêu này, nhiều bộ ngành và địa phương phải cùng nhau phối hợp thực hiện. Thủ tướng chỉ đạo Bộ KH-CN chủ trì, phối hợp các địa phương ĐBCSL tăng cường đầu tư khoa học - công nghệ nhằm thúc đẩy sáng kiến, giải pháp phát triển bền vững toàn vùng. Những đề tài nghiên cứu khoa học thành công cần phải chia sẻ, lan tỏa các địa phương để áp dụng rộng rãi.
Để ĐBSCL ứng phó với thách thức của BĐKH cần thúc đẩy liên kết ngang, liên kết dọc và hợp tác sáng tạo. Nếu không có liên kết vùng, các chính sách cũng sẽ không thành công. Riêng với TPHCM, Thủ tướng đề nghị TPHCM sẽ là “nhạc trưởng” điều phối các điều khoản của cơ chế liên kết vùng, chủ trì phối hợp các địa phương xây dựng cơ chế liên kết vùng, trình Chính phủ xem xét. Đó là sự liên kết qua lại, cùng có lợi, cùng phát triển giữa TPHCM và ĐBSCL. Hơn nữa, Bộ KH-ĐT nghiên cứu hợp tác quốc tế để có chuyên đề sâu hơn; tranh thủ nguồn lực quốc tế, bởi nhiều nước đang quan tâm ĐBSCL ủng hộ phát triển nguồn lực, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm ứng phó với thách thức của BĐKH. Bộ TN-MT, Bộ NN-PTNT và Bộ KH-CN cùng nghiên cứu cải thiện năng lực dự báo của Việt Nam và chủ động ứng phó với BĐKH.
Thủ tướng cũng cho biết, Chính phủ sẽ chi thêm khoảng 2 tỷ USD cho các dự án phát triển ĐBSCL bền vững. Chính phủ cũng kêu gọi các nguồn vốn ODA, nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư, phát triển ĐBSCL. Nguồn vốn này sẽ ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, các công trình thích ứng với BĐKH; tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực của doanh nghiệp… Thủ tướng cũng lưu ý các bộ ngành, địa phương, việc nghiên cứu cũng như áp dụng giải pháp công trình và phi công trình vào phát triển ĐBSCL nhất thiết phải thuận thiên và không được can thiệp thô bạo vào tự nhiên.