Hiện rất nhiều doanh nghiệp gần như kiệt sức, bởi trong điều kiện khó khăn hiện nay thì phải chấp nhận gánh nặng chi phí phát sinh, thiếu nhân lực, rủi ro, chỉ cần lơ là xảy ra một vài ca dương tính thì toàn bộ sản xuất đình trệ, gây thiệt hại.
Doanh nghiệp lâm “bệnh nặng” sẽ kéo theo hàng loạt tác nhân trong chuỗi ngành hàng bị lây lan; nông dân, hợp tác xã sẽ mất đi đầu ra tiêu thụ nông sản; ngân hàng và hàng loạt tác nhân trong các chuỗi ngành hàng đảm nhận các dịch vụ gia tăng cũng “mất việc và mất khách hàng”.
Ở đầu vào, chỉ riêng vật tư nông nghiệp, phân bón đã tăng giá 78% trong các tháng đầu năm nay, tạo gánh nặng giá thành. Trong khi đó, lưu thông hàng hóa bị đứt gãy và đầu ra nông sản không tiêu thụ được, đã ảnh hưởng đến việc đầu tư cho vụ mới của nông dân. Đó là các di chứng để lại sau khi dịch bệnh được khống chế, việc phục hồi sản xuất sẽ khó khăn.
Để tránh di chứng nặng nề, cần sớm thoát ra tình trạng tắc nghẽn hiện nay, tháo gỡ các vướng mắc trong lưu thông hàng hóa. Việc tăng cường kiểm soát y tế, đảm bảo an toàn dịch tễ phải đi đôi với cung ứng kịp thời nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất của doanh nghiệp và lưu thông hàng hóa phục vụ tiêu dùng thiết yếu cho người dân.
Theo đó, cần quan tâm thực hiện “3 tốt” như sau: Một là, có chính sách tốt và thực thi tốt. Cần nhiều hơn chính sách và cách làm sáng tạo thay cho các biện pháp hành chính quá cứng nhắc.
Doanh nghiệp duy trì sản xuất trong điều kiện khó khăn hiện nay cần được trợ lực bằng “liều vaccine chính sách” và thực thi hiệu quả, chứ không thể bị cột chặt hàng rào kiểm soát bất hợp lý, mà bất cập về thủ tục cấp giấy đi đường là ví dụ. Cần nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc bằng chỉ huy thống nhất, phối hợp thông suốt mang tính liên ngành, liên vùng, chứ không thể bị tắc nghẽn theo ranh giới hành chính tỉnh.
Hai là, ứng dụng công nghệ tốt, nhiều hơn và sớm nhất có thể để thay thế các phương thức thủ công trong quản lý kinh tế, kiểm soát dịch. Cần vận hành hiệu quả các tiện ích của hệ thống thông tin, dữ liệu điện tử về dịch tễ với hàng hóa, công nghệ nhận dạng, truy xuất nguồn gốc, thương mại điện tử.
Ba là, xây dựng các kênh phân phối tốt. Cần huy động các hệ thống phân phối vào cuộc, như các chuỗi cung ứng thực phẩm công nghiệp, hệ thống thương mại điện tử… Ngành công thương các địa phương cần trao đổi với các thành phần kinh tế, phát huy vai trò hiệp hội ngành hàng trong tổ chức, hỗ trợ cung ứng hàng hóa.
Từng xã, phường, quận, huyện phải đảm bảo có những điểm cung ứng hàng hóa đáp ứng nhu cầu. Lực lượng bộ đội đi chợ giúp dân không chỉ là hình ảnh đẹp của “bộ đội Cụ Hồ” trong lòng dân, mà còn có thể hỗ trợ phần nào nhu cầu sinh hoạt của người dân. Các mô hình đội giao hàng tình nguyện xuất hiện ở một số nơi cần được tổ chức lại, vừa đảm bảo an toàn, vừa phát huy vai trò cầu nối với dân.
Làm được “3 tốt” nêu trên sẽ góp phần ổn định tình hình, duy trì sản xuất an toàn, hỗ trợ các biện pháp phòng chống dịch, đảm bảo mục tiêu kép.