Ghi nhận tại nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách trên địa bàn TPHCM, có thể thấy hàng loạt dự án thi công rất chậm và tỷ lệ giải ngân không đạt yêu cầu. Trong khi đó, lãnh đạo TPHCM liên tục chỉ đạo sở, ngành, đơn vị liên quan tập trung tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ.
Đủ lý do để chậm
Dự án mở rộng đường Đồng Văn Cống, TP Thủ Đức, TPHCM (đoạn từ cầu Giồng Ông Tố 2 đến nút giao thông Mỹ Thủy) với tổng vốn khoảng 42 tỷ đồng từ ngân sách, khởi công từ năm 2020. Đoạn đường chỉ dài khoảng 2,8km, không phải giải phóng mặt bằng, thời gian hoàn thành dự án theo hợp đồng là 9 tháng.
Tuy nhiên, công trình trọng điểm lại làm theo tiến độ “rùa bò” và đã tạm ngưng thi công từ tháng 6-2022 đến nay. Việc chậm trễ này gây lãng phí ngân sách, làm bức xúc dư luận. Do vậy, Sở GTVT đã kiến nghị UBND TPHCM giao thanh tra toàn diện dự án; xem xét, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Cũng trên trục đường này, dự án nút giao Mỹ Thủy được phê duyệt từ năm 2015. Đến nay, công trình đã hoàn thành một số hạng mục và đưa vào khai thác, gồm cầu Kỳ Hà 3, nhánh cầu vượt trên đường Vành đai 2, hầm chui rẽ trái từ Vành đai 2 đi Cát Lái và cầu Mỹ Thủy 3.
Tuy nhiên, các hạng mục còn lại của giai đoạn 1 (là các tuyến đường nhánh phía bờ tả và bờ hữu rạch Mỹ Thủy) đang tạm ngừng thi công do vướng giải phóng mặt bằng. Đồng thời, hạng mục của giai đoạn 2 dự án xây dựng nút giao Mỹ Thủy (gồm cầu Kỳ Hà 4, nhánh rẽ phải từ cầu Phú Mỹ đi cảng Cát Lái và cầu vượt rẽ trái từ cảng Cát Lái đi cầu Phú Mỹ) chưa được phê duyệt thiết kế và triển khai do chưa có mặt bằng.
Tương tự, dự án nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh, TP Thủ Đức (TPHCM) được phê duyệt từ năm 2019 với tổng đầu tư hơn 832 tỷ đồng, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện. Hiện trên địa bàn TP Thủ Đức có nhiều dự án công trình cấp bách, trọng điểm chậm tiến độ theo kế hoạch do công tác đền bù, giải phóng mặt bằng bị chậm, như đường Vành đai 2 (đoạn từ Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa), cầu Nam Lý, đường Lương Định Của, đường Đỗ Xuân Hợp, nút giao An Phú... Đặc biệt, dự án mở rộng quốc lộ 13 - cầu Bình Triệu từ năm 2001 đến nay vẫn còn trên giấy.
Không chỉ trên địa bàn TP Thủ Đức, hàng chục dự án tại TPHCM cùng chung cảnh ngộ “rùa bò”, như một số dự án công trình giải tỏa ách tắc cho các đầu mối giao thông khu vực Sân bay Tân Sơn Nhất; mở rộng QL1A đoạn từ vòng xoay An Lạc (quận Bình Tân) đến giáp ranh tỉnh Long An; đường Vành đai số 2, đoạn 4 từ QL1A đến đường Nguyễn Văn Linh dài 5,3km; đường song hành Phan Văn Hớn, huyện Hóc Môn; đường trục động lực (song hành QL50 đi qua huyện Nhà Bè và huyện Bình Chánh); nâng cấp mở rộng đường Nguyễn Văn Bứa và xây cầu ông Lớn, huyện Hóc Môn; cầu Tân Kỳ - Tân Quý (quận Bình Tân); cầu Bưng; cầu Thủ Thiêm 4 nối TP Thủ Đức và quận 7; cầu Phước Lộc; cầu Cần Giờ nối huyện Nhà Bè với huyện Cần Giờ…
Dự án hầm chui tại giao lộ đường Nguyễn Văn Linh và đường Nguyễn Hữu Thọ (quận 7). Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Ghi nhận tại nhiều dự án, dù đang trong giai đoạn thi công nhưng công trường chỉ có một vài xe cơ giới, một số công nhân canh gác công trình. Dự án xây dựng hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ cũng nằm im lìm cả năm nay, trong khi đó giao thông quanh công trường ùn tắc thường xuyên khiến người dân khổ sở.
Vốn “đội”, dân chờ
Việc chậm trễ trong triển khai các dự án đầu tư công ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, bởi đây đều là những công trình dân sinh, được đầu tư nhằm giải quyết những bức xúc về kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm, thiếu trường học, bệnh viện…
Dự án nút giao Mỹ Thủy sau nhiều lần điều chỉnh đã đội vốn lên gấp đôi, từ 1.998 tỷ đồng lên 3.622 tỷ đồng do công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; được gia hạn thời gian thực hiện từ 2016-2021 thành 2015-2025. Dự án nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh được phê duyệt từ năm 2019 với tổng mức đầu tư hơn 832 tỷ đồng nhưng đến nay chưa thực hiện, khiến dự án đội vốn lên 1.630 tỷ đồng do tăng chi phí giải phóng mặt bằng.
Tuyến đường này dự kiến mở rộng lên 30m cho 4 làn ô tô và 2 làn xe máy. Đồng thời, dự án cũng xây dựng mới hệ thống thoát nước, cống hộp tiết diện và hệ thống chiếu sáng. Do chậm mở rộng, tuyến đường Nguyễn Duy Trinh, đoạn từ vòng xoay Phú Hữu đến đường Nguyễn Thị Tư (TP Thủ Đức) dù dài chỉ khoảng 1,6km nhưng nhiều năm qua đã trở thành “điểm đen” về tai nạn giao thông và diễn ra kẹt xe thường xuyên vào giờ cao điểm.
Trục đường Nguyễn Duy Trinh hướng từ vòng xoay Phú Hữu về cảng Phú Hữu (TP Thủ Đức, TPHCM) bị thắt nút cổ chai gây hiện tượng xe máy bị xe lớn chèn ép. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Đường Nguyễn Duy Trinh còn có 3 khung giờ cấm xe tải trên 3,5 tấn là 6-8 giờ, 11-13 giờ và 16-20 giờ. Trước mỗi khung giờ cấm xe hoạt động trong ngày, các đoàn xe container tranh thủ nối đuôi nhau cả hai chiều ra vào cảng Phú Hữu, lấn gần như hết phần đường của xe máy. Chưa kể nhiều tài xế cho xe di chuyển vào giờ cấm. Đường hẹp, xe đông, ô tô lớn dày đặc nên chỉ cần sơ sẩy là có thể xảy ra tai nạn.
Trong nhiều kỳ họp, HĐND TPHCM đã phải thông qua các nghị quyết điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công, trong đó các dự án kéo dài thời gian thực hiện và hầu hết là “đội vốn”. Chẳng hạn, kỳ họp thứ 9 HĐND TPHCM thông qua hàng loạt nghị quyết điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án; như dự án nâng cấp đường Cao Lỗ, phường 4, quận 8 được điều chỉnh thời gian thực hiện từ 2016-2020 thành 2016-2025, tổng mức đầu tư cũng tăng từ 297,6 tỷ đồng thành 395,6 tỷ đồng.
Dự án xây dựng mới Trường THCS Hai Bà Trưng, quận 3 điều chỉnh thời gian thực hiện từ 2018-2021 thành 2023-2025. Dự án chống ngập khu Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè cũng điều chỉnh thời gian từ 2017-2019 thành 2023-2025… Trong khi đây đều là những công trình mang tính dân sinh, người dân mong chờ thực hiện từng ngày.
Theo Sở GTVT, riêng giai đoạn 2021-2025, theo kế hoạch cần phải triển khai đầu tư hàng loạt các công trình hạ tầng giao thông quan trọng và cần thiết, bao gồm 5 tuyến đường liên vùng, một số cây cầu qua sông, một số công trình giải tỏa ách tắc cho các đầu mối giao thông khu vực Sân bay Tân Sơn Nhất và cảng Cát Lái.
Đối với nhóm các công trình hạ tầng giao thông liên kết vùng như nâng cấp, mở rộng QL13 (đoạn từ ngã tư Bình Phước đến cầu Bình Triệu, TP Thủ Đức) cần 10.000 tỷ đồng; đường song hành Phan Văn Hớn, huyện Hóc Môn, vốn đầu tư hơn 3.700 tỷ đồng; đường trục động lực (song hành QL50 đi qua huyện Nhà Bè và huyện Bình Chánh), vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng; nâng cấp mở rộng đường Nguyễn Văn Bứa và xây cầu Ông Lớn, huyện Hóc Môn, vốn đầu tư hơn 2.400 tỷ đồng.
Đối với nhóm cầu cần xây dựng, gồm: cầu Tân Kỳ - Tân Quý, quận Bình Tân vốn đầu tư 325 tỷ đồng; cầu Thủ Thiêm 4 nối TP Thủ Đức và quận 7, vốn đầu tư 5.300 tỷ đồng; cầu Cần Giờ nối huyện Nhà Bè với huyện Cần Giờ, vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng.
Nhóm công trình giải tỏa ách tắc cho khu vực cảng Cát Lái và Sân bay Tân Sơn Nhất, gồm 3 dự án, vốn đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng. Đối với tuyến đường Vành đai số 2, tổng nguồn vốn đầu tư là 11.400 tỷ đồng, chia cho các dự án: Đoạn 4 từ QL1 đến đường Nguyễn Văn Linh dài 5,3km; Vành đai phía Đông từ cầu Phú Mỹ đến nút giao Mỹ Thủy và từ nút giao này đến đường Nguyễn Duy Trinh…