Các đại biểu tham dự hội thảo tham quan triển lãm về văn hóa, nghệ thuật vùng Kinh Bắc |
Tham dự hội thảo có các đồng chí: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Văn Tuấn.
Hội thảo Văn hóa 2022 được chủ trì bởi Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cùng các đồng chí đại diện Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức hội thảo |
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội - Trưởng Ban Chỉ đạo hội thảo Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Đảng, Nhà nước luôn nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của văn hóa, dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Hệ thống quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa, con người Việt Nam ngày càng được hoàn thiện, thể hiện rõ trong nhiều văn kiện quan trọng kể từ khi Đảng được thành lập tới nay.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra mục tiêu đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao; xác định một trong những định hướng lớn là phát triển con người toàn diện, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thật sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Hoàn thiện thể chế, chính sách, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế, trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược trong giai đoạn hiện nay.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc hội thảo |
"Tuy nhiên, văn hóa vẫn chưa được các cấp, các ngành nhận thức một cách sâu sắc và chưa được quan tâm đầy đủ, tương xứng với kinh tế. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hóa có lúc còn lúng túng, chậm trễ, nhất là trong việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa. Đầu tư cho văn hóa chưa đúng mức, còn dàn trải, hiệu quả chưa cao", Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn thẳng thắn nhìn nhận.
Kế thừa thành công, kinh nghiệm của các diễn đàn, hội thảo trước đây, với tinh thần chuẩn bị “từ sớm, từ xa” của Quốc hội - nhằm triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, lãnh đạo Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu, đề xuất tổ chức hội thảo về chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”.
Hội thảo sẽ tập trung đánh giá tình hình thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa; việc huy động, bố trí nguồn lực cho bảo tồn và phát triển văn hóa và các vấn đề đặt ra từ thực tiễn. Trên cơ sở đó, đề xuất, kiến nghị hoàn thiện thể chế, chính sách và các giải pháp đẩy mạnh việc huy động và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho bảo tồn, phát triển văn hóa đáp ứng yêu cầu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy giá trị văn hóa và con người Việt Nam.
Phát biểu đề dẫn, gợi ý nội dung thảo luận hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ, hội thảo quốc gia về “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” là dịp để nhận diện rõ hơn không chỉ những thành tựu hết sức tự hào đã đạt được mà cả những hạn chế, bất cập trong việc thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về phát triển văn hóa, con người Việt Nam những năm qua. Đặc biệt, với cách tiếp cận mới về vai trò của văn hóa trong phát triển, các chiến lược, kế hoạch và nguồn lực cho phát triển văn hóa vẫn chưa được kết nối đồng bộ với các chiến lược, kế hoạch và nguồn lực phát triển của các ngành, lĩnh vực khác và chưa đặt trong sự phát triển tổng thể, hài hòa nhưng có trọng tâm, trọng điểm của phát triển quốc gia, của các vùng miền và các địa phương trong cả nước.
Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng phát biểu đề dẫn hội thảo |
Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng đề nghị đại biểu tham dự hội thảo Văn hóa 2022 tập trung thảo luận, làm sâu sắc hơn các nhóm vấn đề: bổ sung, hoàn thiện thể chế, pháp luật và chính sách tạo môi trường cho các hoạt động văn hóa và phát triển văn hóa; đổi mới cách thức xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch, các dự án đầu tư phát triển văn hóa phải xuất phát từ thực tiễn, từ tiềm năng, lợi thế, đặc thù và nền tảng phát triển của quốc gia và từng địa phương; chú trọng chính sách phát triển con người toàn diện, chăm lo xây dựng đội ngũ những người làm công tác văn hóa; chú trọng thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa phát triển; xây dựng các chính sách tăng cường nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa. Hội thảo sẽ diễn ra trong 1 ngày với 800 đại biểu tham dự trực tiếp.
Hội thảo gồm các phiên chuyên đề diễn ra trong buổi sáng và phiên toàn thể trong buổi chiều với 3 nhóm nội dung chính theo chủ đề của hội thảo.