Tại buổi tiếp xúc, các cử tri đánh giá cao sự điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ rất sâu sát, quyết liệt đối với các nhiệm vụ, nhất là đối với những nơi khó khăn, xa xôi, hẻo lánh và những sự việc nhạy cảm, phức tạp nổi cộm, trong đó có công tác phòng chống tham nhũng. Song cử tri cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng sản xuất, chế biến, tiêu thụ thực phẩm không bảo đảm an toàn có xu hướng gia tăng, đồng thời mong muốn Chính phủ xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn; các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho kinh tế tư nhân, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa...
Phát biểu tại buổi tiếp xúc, thông tin tới cử tri về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong bối cảnh khó khăn chung từ ảnh hưởng sự suy giảm kinh tế, thương mại thế giới cùng với tác động từ thiên tai, dịch bệnh trong nước nhưng kinh tế Việt Nam vẫn ổn định và phát triển ở mức cao, hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế thế giới. Đặc biệt, mức sống người dân được cải thiện rõ rệt, chênh lệch giàu nghèo giảm. Niềm tin trong các tầng lớp quần chúng nhân dân vào đường lối lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ không ngừng được nâng cao.
Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam vinh dự đảm nhiệm hai vai trò quan trọng trong năm 2020, đó là Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Việt Nam sẽ nỗ lực hết sức mình để hoàn thành tốt hai vai trò này.
Trả lời cử tri về quan điểm “phấn đấu trở thành một cường quốc kinh tế nhưng cũng phải trở thành một cường quốc văn hóa thì mới thành công”, Thủ tướng nêu rõ, 54 dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam có một tài sản vô cùng đáng quý là văn hóa dân tộc và sức mạnh của tình đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau. Trong bối cảnh đất nước hội nhập sâu rộng, toàn diện cả về kinh tế và văn hóa, việc chú trọng gìn giữ và phát huy những nét văn hóa truyền thống, văn hóa riêng của từng dân tộc, văn hóa của đất nước, đảm bảo vật chất và tinh thần cho nhân dân là một nhiệm vụ có tầm quan trọng tương đương với phát triển kinh tế, cần phải được quan tâm thực hiện một cách hiệu quả.
Về vấn đề an toàn thực phẩm, Thủ tướng cho biết đã chỉ đạo ngành công thương và các ngành liên quan điều tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Thủ tướng cũng đề nghị từng gia đình, khu phố giám sát chặt chẽ các hoạt động sản xuất, buôn bán thực phẩm tại địa phương; tránh tình trạng “heo hai chuồng, rau hai luống”.
Về các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho kinh tế tư nhân, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn, tiếp tục tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ hơn nữa, đóng góp nhiều hơn nữa vào thành tựu kinh tế của đất nước. Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành tạo mọi điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân, coi đây là một trong những thành phần kinh tế quan trọng trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước.