Hàng trăm dự án bị rà soát, thanh tra, tạm dừng
Báo cáo của Hiệp hội Bất động sản TPHCM (Horea) tại hội nghị cho biết, các cơ quan của TP và Trung ương sau khi rà soát hơn 150 dự án bất động sản trên địa bàn TP, đã chấp thuận cho 124 dự án được tiếp tục triển khai, thực hiện. Tuy nhiên mong muốn UBNDTP cho công bố danh mục 124 dự án này để các chủ đầu tư có căn cứ làm việc với các sở, ngành, hoàn thiện các thủ tục đầu tư xây dựng và tiếp tục triển khai thực hiện dự án, giúp người mua nhà yên tâm.
Tiếp đó, Hiệp hội kiến nghị UBNDTP và Thanh tra Chính phủ khẩn trương xem xét, giải quyết đối với hơn 30 dự án còn đang được các cơ quan chức năng rà soát, thanh tra, vì quá trình rà soát, thanh tra càng kéo dài thì càng bất lợi cho doanh nghiệp do chi phí vốn, lãi vay ngân hàng tăng và mất cơ hội kinh doanh. Một nhóm khác liên quan đến đất công, là khoảng 300 mặt bằng thuộc diện bị thu hồi quyết định hoặc văn bản về sử dụng đất mà Sở Tài chính đề xuất trước đây... kiến nghị UBNDTP chỉ đạo các sở, ngành sớm kết luận, xử lý. Ông Bùi Xuân Huy, Tổng Giám đốc Novaland, kiến nghị TP sớm có văn bản “giải tỏa” 7 dự án nhà ở do công ty đầu tư tại quận Phú Nhuận để người dân được giao dịch.
Trước rất nhiều ý kiến của doanh nghiệp bày tỏ khó khăn, đồng chí Trần Vĩnh Tuyến chia sẻ và nhận trách nhiệm thiếu sót, nhưng cơ bản đều có nguyên nhân. Hiện nay chính quyền TP cũng rất bức xúc, áp lực với những yêu cầu đòi hỏi chặt chẽ về mặt pháp luật vì trong thực tế đã có sơ hở... UBNDTP đã làm việc với Thanh tra Chính phủ, kể cả Bộ Công an, thống nhất sai ở đâu thì xử lý gốc vấn đề ở đó, còn những vấn đề TP thực hiện kế thừa, tiếp nối thì nếu chưa phát hiện vấn đề gì thì vẫn làm bình thường; còn nếu phát hiện sai thì phải truy xử lý từ gốc. Ủng hộ theo cách làm đó, không phải truy theo hướng là ai ký thì đều chịu trách nhiệm hết, mà sai từ đâu, xử lý từ đó.
“Tôi nói điều này để các anh chị lãnh đạo sở ngành yên tâm, nếu chúng ta vì lo sợ, lo lắng nghi ngờ mà ngưng lại hết, kiểm tra từ gốc vấn đề là không nên”, đồng chí Trần Vĩnh Tuyến nói. Mặt khác, áp lực yêu cầu phát triển TP, mỗi ngày thu ngân sách trên 1.000 tỷ đồng, nếu TP có khó khăn về ngân sách thì không chỉ TP mà cả nước sẽ khó khăn. Áp lực về phát triển, TP rất quan tâm, không thể dừng lại mà tiếp tục phát triển. Áp lực về mặt xã hội, sự quan tâm giám sát của người dân đòi hỏi chính quyền phải minh bạch công khai, chặt chẽ, chịu trách nhiệm.
Dự án cao ốc tại quận 2. Ảnh: THÀNH TRÍ Về các kiến nghị cụ thể, đồng chí Trần Vĩnh Tuyến cho biết, những dự án Thanh tra kết luận có sai phải dừng lại để thực hiện theo đúng quy định. Những dự án cơ quan công an đang thụ lý thì dừng lại, đây là luật quy định. Còn những dự án không thuộc 2 trường hợp này, UBNDTP làm việc trực tiếp với Thanh tra Chính phủ, cơ quan Kiểm toán… thì được thống nhất tháo gỡ 124 dự án, TP tiếp tục làm. Tiếp tục triển khai các thủ tục hành chính bình thường, nhưng phải đúng quy định pháp luật; còn trong quá trình triển khai, nếu phát hiện sai pháp luật thì phải dừng lại. UBNDTP đã có Kết luận số 183, giao Sở Tài nguyên - Môi trường mời doanh nghiệp lên để công khai đầy đủ, hướng dẫn các doanh nghiệp làm các thủ tục, triển khai nhanh các dự án, không để lãng phí và ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của TP.
Về 300 mặt bằng có ý kiến tạm dừng, hủy quyết định đầu tư, là vấn đề đã qua nhiều năm, theo Quyết định 09 của Thủ tướng Chính phủ được phép bán chỉ định nhưng các doanh nghiệp này không làm thủ tục tài chính, nói cách khác là không mua. Đến nay đã quá thời gian quy định 24 tháng, không mua thì nhà nước thu hồi. UBNDTP đã chỉ đạo Sở Tài chính là Thường trực Ban chỉ đạo 167, mời doanh nghiệp lên để tìm hiểu lý do, nếu chính đáng mà có cơ sở xem xét tiếp tục bán thì đề xuất triển khai; còn nếu không thì thu hồi bán đấu giá, chứ không để tài sản lãng phí.
Đối với 7 dự án tại quận Phú Nhuận do Novaland làm chủ đầu tư, UBNDTP đã có văn bản chỉ đạo theo đề xuất của Sở Xây dựng, triển khai các thủ tục bình thường. Thực ra, đã có 4 dự án hoàn tất các thủ tục, bán cho người dân; TP không có văn bản nào chỉ đạo ngưng cấp giấy, giao dịch cho người dân. “Không phải dự án nào UBNDTP cũng tự động rà soát, việc thực hiện đều có ý kiến của cơ quan kiểm toán, bộ ngành, yêu cầu phải rà soát. Đó là liên quan đến đất công, những vấn đề đất có nguồn gốc từ cổ phần hóa, chứ không phải là không có lý do. Chúng tôi cam kết rằng, những vấn đề TP phải tạm dừng dự án để rà soát lại, là phạm vi nội bộ TP, đều có lý do. Không cho phép bất cứ một sở ngành nào tự đặt ra lý do để rà soát lại quyết định của UBNDTP, cũng như các chỉ đạo trước đây của UBNDTP”, đồng chí Trần Vĩnh Tuyến khẳng định.
Cơ hội vàng cho phát triển bất động sản
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân chỉ rõ những thiếu sót trong quá trình phê duyệt dự án. Đó là dự án bất động sản phải có quy trình cho từng công đoạn, trách nhiệm từ sở nào qua sở nào, đến quận huyện rồi quay trở lại UBNDTP như thế nào. Thứ hai, từng cơ quan phải quy định cụ thể thời gian giải quyết là bao lâu. Hiện nay, từng sở ngành lại chưa có quy định thời gian giải quyết hồ sơ. Báo cáo của quận huyện cho biết tỷ lệ hồ sơ hoàn thành đúng hẹn là 99%, nhưng tỷ lệ tại các sở và của TP nói chung là bao nhiêu phần trăm là chưa có.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với doanh nghiệp tại hội nghị. Ảnh: CAO THĂNG “Vừa rồi liên quan đến cải cách hành chính, đồng chí Chủ tịch UBNDTP quyết định, hết quý 1 sang đầu quý 2, những hồ sơ qua văn phòng UBNDTP sẽ có thời hạn giải quyết. Đây là vấn đề mà hàng chục năm qua chưa thực hiện được. Để UBNDTP ban hành văn bản trong thời gian nhất định thì đồng chí chủ tịch, phó chủ tịch giữ hồ sơ trong thời hạn bao lâu. Đây là lần đầu tiên TP sẽ ra quy chế đó. Mức độ phức tạp hồ sơ không giống nhau, nhưng ra quy chế đó là để ép mình vào trách nhiệm. Năm nay phải ra quy chế này, có thời hạn lưu giữ hồ sơ ở từng cơ quan, chứ không là các sở chờ nhau, rồi các doanh nghiệp lại chờ mình. Đây chính là một nội dung cải cách hành chính, xây dựng quy trình chuẩn, công khai, đưa ra thời gian giải quyết công việc. Đề nghị Thường trực UBND TP có văn bản để các sở rà soát lại vấn đề này, chuẩn bị lộ trình để công bố”, đồng chí Bí thư Thành ủy yêu cầu. |
Đồng chí Bí thư Thành ủy tỏ thái độ không đồng tình với phát biểu của một doanh nghiệp tại hội nghị: “Rất thương giám đốc (giám đốc sở), vì giám đốc muốn giúp doanh nghiệp nhưng không biết làm thế nào”. Đồng chí cho rằng nói như vậy là không đúng. Lẽ ra, khi giám đốc muốn giúp doanh nghiệp thì phải vận dụng luật pháp, thảo luận trong ngành; khó nữa thì họp liên ngành; vận dụng phức tạp quá thì báo cáo Thành ủy cho chủ trương, còn khó nữa thì xin ý kiến Chính phủ, Quốc hội. Nếu đi hết lộ trình đó mà không làm được, thì nói thẳng với doanh nghiệp nguyên nhân. Trách nhiệm của giám đốc là quản lý ngành của TP, phải nắm luật pháp, nắm yếu tố kỹ thuật, phải biết cách trả lời, không để tình trạng không biết cách làm như thế nào? Chúng ta không thể chỉ nói thông cảm.
Về ý kiến thứ hai khi doanh nghiệp nói: “Đồng chí giám đốc (tức là giám đốc sở) nói tôi rất muốn giúp anh, giúp chị nhưng chuyên viên không trình thì làm sao tôi giải quyết?”, theo đồng chí Bí thư Thành ủy là “Không được phép nói như thế”. Đồng chí nhấn mạnh: “Phải nói rằng, tôi là giám đốc sở, nhân viên nhận được hồ sơ có thời hạn phải trình, không giải quyết được thì trình cho phó phòng, không có phó phòng thì trình cho trưởng phòng, hoặc báo cáo cấp phó phụ trách, còn không nữa thì bàn bạc trong ban giám đốc chứ không thể để tình trạng nhân viên trả lời tôi chưa biết làm thế nào để trình lên anh. Điều này vi phạm 2 vấn đề: thứ nhất, vi phạm thời hạn giải quyết, hai là trình độ - không biết làm thế nào thì đừng làm nữa. Tôi đã nói trong cuộc họp Thành ủy rằng ai cũng có điều không biết, nhưng không biết thì bàn bạc với đồng nghiệp, hoặc là bàn với cấp trên, chứ không được nói “tôi đang làm việc này nhưng không biết cách làm, để đó cái đã”, chúng ta không được làm như thế. Khi đã thống nhất thời gian giải quyết hồ sơ tại từng bộ phận, thì sẽ quy rõ trách nhiệm, đôn đốc nhắc nhở nếu không đúng thời hạn. Khẳng định trước doanh nghiệp, đồng bào, chúng ta quản lý theo phương châm là giám đốc là người quản lý đầy đủ cơ quan của mình, nhân viên không có quyền không trình, cứ ngâm ra đó là không được”.
Vấn đề thứ ba, buổi đối thoại có ý kiến nêu thực trạng doanh nghiệp đầu tư bất động sản tại TP thấy khó quá rồi chuyển sang tỉnh khác đầu tư. Đồng chí Bí thư Thành ủy truy vấn: “Vậy các tỉnh có vận dụng hệ thống luật pháp khác không, rõ ràng là không! Nếu khó khăn do những chồng chéo, chưa đồng bộ giữa các luật thì tỉnh nào, thành phố nào cũng bị hết, khó khăn chung. Còn nếu thật sự doanh nghiệp phải đi, vì lý do nào đó thì chắc là do chúng ta thôi. Chúng tôi đề nghị, phát biểu vấn đề này nên rất thận trọng. Chúng ta phải xem, cái nào làm chưa tốt mình sửa lại. Hôm nay TP gặp doanh nghiệp chính là để khắc phục. Nếu cái gì mình còn hạn chế yếu kém sẽ sửa; còn cái gì thuộc về cấp trên thì chúng ta góp tiếng nói một cách quyết liệt để sửa lại kịp thời”.
Doanh nghiệp bất động sản phát biểu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: CAO THĂNG Về mặt tổng quan, đồng chí Bí thư Thành ủy nhận định, chưa lúc nào thời cơ kinh doanh xây dựng bất động sản tại TPHCM lớn như vậy. Bởi vì cứ 5 năm dân số tăng thêm 1 triệu người, lo chỗ ở cho 1 triệu người là thị trường vô cùng lớn. Bình quân 4 người là một gia đình thì 5 năm phải xây dựng 250 ngàn căn hộ, sản phẩm nhà ở. Tiếp đó, thu nhập đầu người hàng năm tăng lên; hiện nay thu nhập bình quân đầu người là 6.000 USD/năm. Như vậy, dân số tăng, thu nhập tăng thì cầu về nhà ở vô cùng lớn, đây là lĩnh vực mà doanh nghiệp đồng hành cùng chính quyền lo nhà cho người dân, sẽ có thu nhập rất tốt.
“Cách nay 3 tháng, tôi đọc báo cáo của Sở Xây dựng mà giật mình. Nhà kiên cố tại TPHCM chỉ chiếm 38%, nhà bán kiên cố chiếm 60%, còn lại là nhà tạm và không kiên cố. TPHCM là TP hiện đại, thu nhập lớn nhất cả nước mà nhà bán kiên cố lại chiếm đến 60%, chính là thị trường khổng lồ cho việc xây dựng. Có lẽ chúng ta chưa ngồi lại với nhau để bàn kỹ, giải quyết bài toán này như thế nào để chuyển từ nhà bán kiên cố lên kiên cố… Với tình hình như vậy, tôi đề nghị doanh nghiệp không bi quan, có thể tạm thời khó khăn một chút, nên nhìn dài hơi. Giải pháp về nhà ở sẽ đưa vào chương trình Đại hội Đảng bộ sắp tới”, đồng chí Bí thư Thành ủy nói.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nêu thực trạng, việc thu thuế tại quận huyện từ dịch vụ là chính. Nhưng muốn làm dịch vụ thì phải có chỗ xây dựng siêu thị, bệnh viện, văn phòng cho thuê, khu vui chơi giải trí… Việc quy hoạch các công trình dịch vụ, kèm theo đó là đường sá thì hầu như không có, chủ yếu là tự phát. Quận 8 có sáng kiến rất hay là vận động mở đường. Từ khi mở rộng đường sá, xe hơi vào được thì số người đến thuê văn phòng tăng lên, thu thuế tăng. TP sắp tới nên bàn về vấn đề này, quy hoạch trong nội thành như thế nào để tạo tiền đề phát triển dịch vụ, các loại dịch vụ - chứ không phải công nghiệp. Bí thư Thành ủy lưu ý các doanh nghiệp bất động sản, thực hiện dự án nên bố trí cây xanh, tăng mảng xanh cho TP, giữ lấy các công viên, chiếu sáng tốt hơn, sẽ làm cho môi trường sống tốt hơn, làm cho TP tươi đẹp hơn, đáng sống hơn…
Điều chuyển một số cán bộ vì thiếu “dũng khí” Đồng chí Trần Vĩnh Tuyến cho biết TP đang đối mặt với một áp lực rất đặc biệt, là sự yếu kém của một số cán bộ. Đáng chú ý là một số cán bộ đứng đầu quận huyện hiện nay thiếu trách nhiệm, sợ trách nhiệm và đùn đẩy trách nhiệm. Vấn đề này UBNDTP đã báo cáo đầy đủ với cấp ủy phải điều chuyển một số đồng chí đứng đầu quận huyện; nếu không đủ trách nhiệm để đảm đương nhiệm vụ, không đủ sự quyết đoán, không đủ thái độ làm việc thì phải thay đổi. |
LƯƠNG THIỆN