Tại hội thảo, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM Nguyễn Thị Thanh Mỹ cho biết, hiện nay, trên địa bàn thành phố phát sinh bình quân từ 10.000-10.500 tấn rác sinh hoạt mỗi ngày. Trong đó, lượng rác được xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh vẫn còn khá cao (69%). Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025 có 80% và đến năm 2030 đạt 100% khối lượng rác thải này sẽ được xử lý bằng các công nghệ tiên tiến, hiện đại. TPHCM đang triển khai quyết liệt 2 nhóm giải pháp là chuyển đổi công nghệ xử lý rác tại các nhà máy hiện hữu sang đốt phát điện và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án xử lý rác mới theo phương thức đối tác công - tư (PPP).
Góp ý các giải pháp để TPHCM có thể thu hút nhà đầu tư tham gia dự án đốt rác phát điện, các chuyên gia cho rằng, lãnh đạo thành phố cần làm việc quyết liệt hơn với các bộ, ngành trong việc ban hành các loại giấy phép (giấy phép xây dựng, đánh giá tác động môi trường...). Ngoài ra, thành phố cũng phải có các phương án, kế hoạch đầu ra cho việc bán điện, xử lý tro xỉ phát sinh trong quá trình xử lý rác của các nhà máy...
Góp ý về vấn đề tài chính, bà Trần Hương Giang, đại diện Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam, cho rằng, tài chính xanh, cụ thể hơn là trái phiếu xanh, là công cụ phù hợp tài trợ tài chính cho các dự án điện rác. Tuy nhiên, nguồn vốn cung cấp cho các dự án trong nước còn eo hẹp, cần thu hút thêm nguồn từ các tổ chức quốc tế để đảm bảo đáp ứng cho dự án quy mô lớn. Các nhà đầu tư cần phải cải thiện năng lực, đáp được tiêu chuẩn của các tổ chức quốc tế để huy động được nguồn vốn dồi dào với mức chi phí hấp dẫn. Đồng thời, các chính sách điều hành từ chính phủ cần được nhanh chóng ban hành và đưa vào thực thi để nắm bắt cơ hội.