Thực trạng này đòi hỏi ngành chức năng của tỉnh cần có giải pháp đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng, thu hút doanh nghiệp (DN) có tiềm lực vào đầu tư. CCN gốm sứ Tân Hạnh (phường Tân Hạnh, TP Biên Hòa) diện tích khoảng 54ha với 37 DN được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng mới có 27 DN hoàn thành việc xây dựng nhà máy và đi vào sản xuất.
Nguyên nhân là năm 2016, tỉnh quyết định hỗ trợ 60% tổng mức đầu tư hạ tầng cho các DN di dời, nhưng đến năm 2020 thì bãi bỏ nên các DN gặp khó khăn. Anh Đoàn Văn Lâm, chủ DN sản xuất gốm Đồng Thành cho biết, do tốn kém tiền bạc, mất nhiều thời gian nên các chủ DN ngại di dời.
Đồng Nai chọn CCN Phú Túc (huyện Định Quán) hơn 48ha và CCN Long Giao (huyện Cẩm Mỹ) có diện tích 57,3ha để thí điểm đầu tư, phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản. Hiện việc triển khai xây dựng 2 CCN đang gặp khó trong công tác giải phóng mặt bằng. Đa số các CCN đã có chủ đầu tư và đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, thiếu kinh phí để bồi thường cho người dân có đất bị thu hồi.
Tỉnh đã đưa vào kế hoạch bán đấu giá CCN Long Giao, giá khởi điểm hơn 309 tỷ đồng, DN sẽ triển khai nhanh hạ tầng kỹ thuật và cho nhà đầu tư thứ cấp thuê lại đất xây dựng nhà xưởng sản xuất.
Còn CCN Phú Túc có giá khởi điểm là 100 tỷ đồng và sau khi UBND huyện Định Quán hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng dự án, Sở TN-MT sẽ tham mưu UBND tỉnh thu hồi và giao Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh quản lý, tiến hành đấu giá chọn nhà đầu tư triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật.
Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, giá đất nhiều khu vực đã tăng quá cao khiến cho tiến độ bồi thường thực hiện chậm, một số khu vực quy hoạch nhưng không thu hút được nhà đầu tư. UBND tỉnh đã giao Sở Công thương và các địa phương rà soát lại từng CCN để có cơ sở loại bỏ các CCN chậm triển khai hoặc bổ sung vào quy hoạch CCN đủ điều kiện triển khai.
Và đối với những vướng mắc về thủ tục đầu tư, xử lý đất cao su, đất rừng, xác định đấu giá, đấu thầu, quy hoạch, tỉnh Đồng Nai đang kiến nghị bộ ngành, Trung ương có chỉ đạo tháo gỡ.