Theo Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng, 6 “nhà” gồm: Nhà nước, nhà khoa học, nhà băng (ngân hàng), nhà doanh nghiệp, nhà phân phối, nhà nông. Trong đó, vai trò của các ngân hàng và hệ thống doanh nghiệp bán lẻ, doanh nghiệp xuất khẩu là mắt xích rất quan trọng.
Tại diễn đàn, GS-TS Ngô Xuân Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật (Bộ KH-CN) cho rằng, một trong yếu tố quyết định giá trị nông sản là “chất lượng sản phẩm” và để đạt yêu cầu này thì phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Chất lượng sản phẩm không chỉ thể hiện ở khâu sản xuất nguyên liệu, công nghệ chế biến mà còn đi kèm kiểu dáng, mẫu mã, bao bì, đóng gói sao cho hấp dẫn, thuận tiện nhất khi đưa ra thị trường. Yếu tố khoa học và công nghệ đóng vai trò đặc biệt quan trọng đến tất cả các khâu và cần phải được đi trước một bước. Tuy nhiên, nhiều năm qua, các dự án của Nhà nước đầu tư cho khoa học công nghệ trong nông nghiệp chỉ nhỏ lẻ, rời rạc nên sau một chu kỳ (5 hoặc 10 năm) nhìn nhận lại, khó đánh giá rõ được kết quả đóng góp của khoa học công nghệ cho tăng trưởng.
Ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết, Agribank cũng như các ngân hàng thương mại khác, đang đẩy mạnh cho vay đối với nông nghiệp. “Agribank rất mong các cơ quan chức năng tháo gỡ đến cùng những vướng mắc liên quan thế chấp tài sản để tạo điều kiện cho nông dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng”, ông Vượng nói. Ông cũng cho biết, Agribank có thể cho vay với gần 300.000 tỷ đồng dư nợ tín chấp. Nhưng để cho vay, ngoài yêu cầu tài sản tín chấp thì phương án sản xuất của doanh nghiệp phải thực sự khả thi.