Chiều 11-5, cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trong khuôn khổ phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới đề nghị đánh giá, tổng kết Nghị quyết 132 của Quốc hội khóa XIV về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đánh giá cao sự chuẩn bị của Chính phủ; cho rằng hồ sơ dự án luật đã được chuẩn bị rất công phu, đặc biệt đã lấy ý kiến nhân dân về dự án luật này. Theo ông Lê Quang Huy, tờ trình của Chính phủ cần có cách thức đề cập đến việc phản hồi những ý kiến đóng góp của người dân một cách công khai, minh bạch, thể hiện sự trân trọng đối với những góp ý của nhân dân.
Về các nội dung cụ thể, ông Lê Quang Huy nhất trí với ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về việc xây dựng bảng giá đất và cho rằng việc xây dựng bảng giá đất rất mất thời gian, do vậy, nên chăng, có thể áp dụng trong thời gian dài hơn thay vì chỉ 1 năm.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên |
Lưu ý rằng dự án Luật Đất đai có mối quan hệ chặt chẽ với Bộ luật Dân sự, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên góp ý thêm về quy định quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề. “Quyền hạn chế thửa đất liền kề được đề cập trong Bộ luật Dân sự 2015 và cách tiếp cận ở Bộ luật Dân sự mới hơn”, bà Trần Hồng Nguyên nhận xét.
Về việc xây dựng công trình ngầm và công trình trên không, dự thảo luật quy định thu hồi cả phần diện tích đất trên bề mặt để phục vụ xây dựng công trình ngầm. Để đảm bảo việc khai thác giá trị đất đai ổn định và các quan hệ xã hội phù hợp với tính chất của quyền bề mặt được quy định trong Bộ luật Dân sự, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên nhận thấy, Luật Đất đai nên quy định theo hướng là Nhà nước chỉ thu hồi phần không gian ngầm mà không phải là thu hồi phần diện tích đất trên bề mặt. Khi hoàn thành công trình, người sử dụng đất sẽ tiếp tục được sử dụng đất trên bề mặt và khoảng không; đồng thời được Nhà nước bồi hoàn, bồi thường hoặc hỗ trợ đối với phần thiệt hại, chi phí phát sinh. Nhà nước chỉ đặt vấn đề thu hồi phần mặt đất nếu thửa đất được lựa chọn để xây dựng công trình phụ trợ cho khai thác và sử dụng công trình ngầm.
Bà Trần Hồng Nguyên cũng chỉ rõ nhiều điểm “vênh” nhau giữa dự thảo Luật Đất đai và dự thảo Luật Nhà ở về thu hồi đất; cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; thu tiền sử dụng đất đối với nhà ở công vụ… “Đề nghị Chính phủ rà soát rà soát thêm và bổ sung thêm và sửa luôn ngay trong đợt này để quy trình làm luật và việc áp dụng pháp luật thuận lợi hơn”, bà nói.
Đại biểu dự họp |
Ghi nhận dự thảo luật đã tiếp thu nhiều ý kiến liên quan đến giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo vi phạm pháp luật về đất đai, song Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga tiếp tục đề nghị minh bạch hóa quá trình, tiêu chí, điều kiện thu hồi đất để đảm bảo đúng tiêu chí, tránh khiếu kiện. Theo bà, khái niệm về “phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh”, “phục vụ mục đích phát triển kinh tế xã hội, vì lợi ích quốc gia, vì lợi ích công cộng” quy định trong dự thảo luật vẫn chưa đủ rõ ràng, cụ thể, chưa dự liệu hết các trường hợp xảy ra trong thực tế để đảm bảo tính chặt chẽ và khả thi.
Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới đề xuất tạo điều kiện hỗ trợ để lực lượng công an, quân đội được điều động đi công tác tại các vùng sâu vùng xa, hải đảo có đất để định cư.
Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV tới đây, Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến Luật Quản lý công trình quốc phòng và khu quân sự. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới đề nghị ban soạn thảo 2 luật này có sự trao đổi, phối hợp để đảm bảo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật.