Tháo gỡ thiếu thuốc, vật tư y tế: Nhiều bệnh viện hoạt động bình thường

Ngày 18-3, Bộ Y tế thông tin về các giải pháp đã và đang triển khai nhằm tháo gỡ tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế tại các bệnh viện công lập.
Người bệnh yên tâm tới bệnh viện khi vật tư y tế, thuốc men đã có đủ . Ảnh: QUANG PHÚC
Người bệnh yên tâm tới bệnh viện khi vật tư y tế, thuốc men đã có đủ . Ảnh: QUANG PHÚC

Bộ Y tế cho biết, sau 2 tuần Chính phủ ban hành Nghị định số 07/2023/NĐ-CP và Nghị quyết số 30/NQ-CP đến nay những khó khăn về thiết bị, vật tư y tế, thuốc men tại nhiều cơ sở điều trị đang dần được giải quyết để các cơ sở hoạt động trở lại bình thường.

Thời gian qua, cả nước đã có nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn, sớm giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc men, thiết bị vật tư y tế. Trong đó, Quốc hội đã thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi số 15/2023/QH15 có nhiều nội dung liên quan tới đổi mới cơ chế tài chính khắc phục những hạn chế, bất cập của các cơ sở y tế thời gian qua, luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2024. Đồng thời, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 80/2023/QH15, cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực trong giai đoạn từ ngày 1-1-2023 đến ngày 31-12-2024 được tiếp tục sử dụng từ ngày hết hiệu lực đến hết ngày 31-12-2024. Nhờ vậy, ngay trong những tháng đầu năm 2023, Bộ Y tế đã gia hạn giấy phép lưu hành của gần 10.000 thuốc, đảm bảo nguồn cung, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp cung ứng thuốc trên thị trường.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 144/NQ-CP về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Thủ tướng Chính phủ ban hành 2 công điện về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế để phục vụ công tác khám bệnh chữa bệnh. Đặc biệt, đầu tháng 3-2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 07/2023/NĐ-CP và Nghị quyết số 30/NQ-CP đã giải quyết những vướng mắc liên quan đến giấy phép nhập khẩu, số đăng ký lưu hành trang thiết bị y tế; đẩy mạnh việc cấp số đăng ký lưu hành trang thiết bị y tế, tháo gỡ khó khăn trong thu hồi số lưu hành và xử lý trang thiết bị y tế bị thu hồi số lưu hành; sửa đổi quy định về xuất nhập khẩu và tạm nhập, tái xuất trang thiết bị y tế; sửa đổi quy định để giải quyết vướng mắc bất cập từ thực tiễn về kê khai giá.

Bộ Y tế đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường xử lý, giải quyết việc đăng ký lưu hành, gia hạn đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc; đẩy nhanh tiến độ cấp, gia hạn giấy đăng ký lưu hành theo quy định tại Luật Dược; ban hành các thông tư liên quan đến công tác đăng ký thuốc, đẩy mạnh việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đặc biệt với các quy định về hồ sơ gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc; đã tổ chức thêm các đơn vị thẩm định độc lập tại các trường đại học y, dược để đẩy nhanh tiến độ thẩm định hồ sơ cấp phép; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo điều hành về đảm bảo cung ứng thuốc, đặc biệt các thuốc hiếm, khó khăn về nguồn cung.

Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo thực hiện việc điều chỉnh giá thuốc kê khai, kê khai lại đối với các mặt hàng do tăng giá khách quan. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện mua sắm tập trung thuốc quốc gia, đàm phán giá. Do đó trong năm 2022, đã tổ chức thành công 3 gói thầu thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia, giảm 1.418 tỷ đồng so với giá kế hoạch (giảm gần 18%); đàm phán giá thành công 61/69 mặt hàng thuốc, giảm giá 1.995 tỷ đồng (xấp xỉ 15%).

Sau khi được gỡ vướng những nút thắt về đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, nhiều bệnh viện đã trở lại hoạt động bình thường. Bệnh viện Việt Đức, sau 2 tuần gián đoạn các ca mổ phiên, chỉ ưu tiên ca cấp cứu do thiếu vật tư, hóa chất, đã thực hiện các ca phẫu thuật trở lại như bình thường, người dân có thể yên tâm đến khám, chữa bệnh với đầy đủ phương tiện. Bệnh viện Bạch Mai cũng đã cơ bản giải quyết được những khó khăn về thuốc điều trị và vật tư y tế đảm bảo các yêu cầu phục vụ người bệnh.

Đấu thầu thuốc vào bệnh viện công, không bắt buộc phải có 3 báo giá

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 06/2023/TT-BYT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 15/2019/TT-BYT về việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập.

Theo Thông tư 06, đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, vaccine, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền tham khảo 3 báo giá hoặc hóa đơn bán hàng của các nhà cung cấp khác nhau tại thời điểm lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

Trường hợp thuốc không đủ 3 báo giá hoặc hóa đơn bán hàng của các nhà cung cấp khác nhau, thủ trưởng đơn vị căn cứ vào ít nhất 1 báo giá hoặc hóa đơn bán hàng của nhà cung cấp tại thời điểm lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, giải trình, chịu trách nhiệm về giá kế hoạch đề xuất và bảo đảm không vượt giá bán buôn kê khai.

Tin cùng chuyên mục