Ngày 2 và 3-5, Diễn đàn Kinh tế tư nhân (KTTN) Việt Nam 2019 do Văn phòng Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương tổ chức diễn ra tại Hà Nội. Theo kế hoạch, đồng chủ trì phiên toàn thể ngày 2-5 là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương.
Diễn đàn này là dịp quan trọng để đánh giá về những mặt được và chưa được trong thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển KTTN trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 10, khu vực KTTN đã và đang khẳng định được vị trí quan trọng trong nền kinh tế thể hiện qua việc: chiếm trên 40% GDP của nền kinh tế; số lao động đang làm việc trong khu vực KTTN chiếm 83,3% tổng số lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc của cả nước, tương đương gần 45,2 triệu người (năm 2017 là 44,9 triệu người); trong 2 năm 2017 và 2018, vốn đầu tư của khu vực KTTN tăng trưởng lần lượt 17,1% và 18,5% so với năm trước đó và cao hơn tốc độ tăng trưởng của tổng vốn đầu tư toàn xã hội (khoảng 11%-12%/năm); tỷ trọng vốn đầu tư của khu vực KTTN trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng nhanh và đã vượt mức 40% (năm 2017 là 40,6% và năm 2018 là 43,27%)…
Tuy nhiên, khu vực tư nhân vẫn còn gặp không ít rào cản. Năm 2019, xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam đứng thứ 69/190 quốc gia - giảm 1 bậc so với năm 2018 và xếp thứ 5 trong các nước ASEAN (sau Singapore, Malaysia, Thái Lan, Brunei); thành lập doanh nghiệp (DN) đứng thứ 104/190 quốc gia với 8 thủ tục và mất 17 ngày để hoàn tất thủ tục; cấp phép xây dựng đứng thứ 21/190 quốc gia - giảm 9 bậc so với năm 2016 và không có đổi mới về thủ tục, số ngày xử lý trong năm 2017 và 2018; tiếp cận tín dụng đứng thứ 32/190 quốc gia - giảm 4 bậc so với năm 2016; giải quyết phá sản đứng thứ 133/190 quốc gia, không có sự cải thiện đáng kể nào về thời gian, chi phí và tỷ lệ thu hồi tài sản trong năm 2017 và 2018…
Theo Ban Kinh tế Trung ương, có 2 vấn đề dẫn đến xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam chậm được cải thiện, thậm chí chững lại.
Một là, mức độ, hiệu quả cải cách để cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam còn thấp hơn nhiều quốc gia.
Hai là, hiệu quả triển khai các chính sách, biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh trên thực tế còn hạn chế. Thực trạng này cũng cho thấy, dư địa để tạo sự bứt phá về cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam còn nhiều, nhất là ở một số chỉ tiêu thành phần còn đang xếp hạng ở mức thấp, nếu Việt Nam có chính sách, biện pháp đúng đắn và được triển khai quyết liệt, hiệu quả.
Dù những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đã mang lại những kết quả đáng khích lệ, song trong tương quan so sánh với khu vực và thế giới thì môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam còn khá nhiều bất cập.
Điều đó thể hiện qua việc: thủ tục hành chính còn phức tạp; có nhiều rào cản thủ tục với DN để tiếp cận nguồn lực; những vướng mắc trong quản lý, kiểm tra chuyên ngành chậm được xử lý dứt điểm (danh mục mặt hàng nhiều, quản lý chồng chéo; chưa minh bạch về danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành…); quyền tự do kinh doanh chưa được tôn trọng đầy đủ, môi trường kinh doanh vẫn chưa thực sự đảm bảo cạnh tranh công bằng, lành mạnh giữa các DN, các thành phần kinh tế; chi phí giao dịch, kinh doanh còn cao, tình trạng tham nhũng, tiêu cực vẫn còn nhiều…
Hệ quả là trong 2 năm 2017 và 2018 có 151.204 DN tạm ngừng hoạt động; tỷ lệ số DN tạm ngừng hoạt động so với số DN thành lập mới năm 2017 và 2018 lần lượt là 47,73% và 69,05%; gần 50% DN tư nhân kinh doanh thua lỗ.
Rõ ràng, với tỷ lệ DN không có khả năng sống sót cao đang ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện mục tiêu đạt ít nhất 1 triệu DN đến năm 2020, bởi đến năm 2018, ước tính cả nước mới có gần 715.000 DN.