Ngày 21-8, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về "Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững", đại diện lãnh đạo nhiều tỉnh thành phố và một số bộ, ngành chức năng đã đề xuất nhiều giải pháp trong thời gian tới để làm tốt công tác y tế, bảo đảm chăm sóc sức khoẻ nhân dân, cũng như tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách y tế hiện nay.
Từ điểm cầu TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức đã có kiến nghị Bộ Y tế quan tâm tới những góp ý của TPHCM đối với dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và một số góp ý khác mà thành phố đã gửi Bộ Y tế trong thời gian qua.
Đồng thời, Bộ Y tế sớm nghiên cứu điều chỉnh hành lang pháp lý về công tác đấu thầu, mua sắm, mua thuốc có chất lượng với giá thành hợp lý, cũng như có thêm các cơ chế chính sách nhằm cải thiện tiền lương và thu nhập cho nhân viên y tế.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM cũng cho biết, thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, TPHCM đã chủ động triển khai nhiều chương trình, giải pháp nhằm nâng cao sức khỏe nhân dân. Kết quả phần lớn các mục tiêu về y tế dân số giai đoạn 2016-2020 về chương trình sức khỏe của TPHCM đều hoàn thành. Trong đó, nhiều chỉ tiêu đều vượt định mức và đạt kết quả cao. Chất lượng dân số được cải thiện, nâng cao tuổi thọ trung bình, giảm tỷ suất tử vong của trẻ dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi, giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng.
Đặc biệt, TPHCM đã xây dựng và triển khai hiệu quả chiến lược y tế trong giai đoạn thích ứng, linh hoạt, hiệu quả kiểm soát dịch Covid-19 với các chiến lược y tế như: bao phủ vaccine đến từng người dân trên toàn bộ địa bàn; kiểm soát dịch bệnh Covid-19 trong giai đoạn tình hình mới; quản lý và chăm sóc F0 tại nhà…
Bên cạnh đó, TPHCM chỉ đạo ngành y tế triển khai đồng bộ nhiều giải pháp khác như: không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc trên diện rộng, kiên trì liên tục công tác đấu thầu mua sắm thuốc tại các địa phương; triển khai một số giải pháp giúp ổn định tâm lý của nhân viên y tế, tăng cường đối thoại với nhân viên y tế, tăng cường giao lưu học tập lẫn nhau giữa các nhân viên y tế, tư vấn tâm lý cho nhân viên y tế; đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng cơ bản, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công các công trình trọng điểm của ngành y tế.
Trong khi đó, từ điểm cầu UBND TP Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, 2 tháng qua, TP Hà Nội đã có 4 văn bản trực tiếp báo cáo Bộ Y tế về vấn đề, gồm: công tác đấu thầu thuốc tập trung tại các địa phương; khó khăn, vướng mắc trong xây dựng và ban hành xét nghiệm virus SARS-CoV-2; thực hiện và thu tiền xét nghiệm Covid-19 khi người dân có nhu cầu xét nghiệm và tự nguyện chi trả chi phí; về khó khăn, vướng mắc, bất cập trong cung ứng thuốc, trang thiết bị vật tư y tế.
Trước các kiến nghị của địa phương, tham luận tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, phải giải quyết được nút thắt là nguồn nhân lực. Cần phải đánh giá nguyên nhân từ đâu khi nhiều cán bộ y tế nghỉ việc sang bệnh viện tư, do lương thấp hay do chế độ làm việc, môi trường làm việc để có giải pháp sát với thực tiễn.
Thứ hai là đánh giá sắp xếp lại các bệnh viện công lập theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP. Nếu đơn vị nào tự chủ được 100% thì cho phép thực hiện tự chủ, nếu cơ sở nào tự chủ một phần (chi thường xuyên) thì thực hiện sắp xếp theo Nghị định 60, nếu không làm được thì dừng lại.
Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ, thời gian qua, Bệnh viện K và Bệnh viện Bạch Mai đã hoàn thành thí điểm tự chủ toàn diện bệnh viện. 2 bệnh viện này có tiếp tục không hay quay trở lại tự chủ một phần? Đây là 2 bệnh viện “xương sống” của bệnh viện công, của ngành y tế, nếu để các bác sĩ đi sang hệ thống tư nhân thì sẽ thất bại, trong khi một trụ cột chính trong vấn đề an sinh xã hội chính là y tế.
Vì vậy, Bộ Y tế phải đánh giá lại và sắp xếp hợp lý. Nếu chưa tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, Nhà nước sẽ đầu tư trang thiết bị để phục vụ nhân dân.
“Đây là vấn đề Bộ Y tế cần phải khẳng định sớm. Nếu muộn thì sẽ phải mất 3 năm nữa mới làm được, vì hiện nay Bộ Tài chính đang lập ngân sách cho năm 2023, tháng 10 tới sẽ trình Quốc hội. Khi đó, nếu vấn đề này không nằm trong dự toán ngân sách thì phải đến năm 2026 mới có thể bàn lại vấn đề này”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ, trung bình chi phí khám chữa bệnh những năm trước đây có 70% liên quan đến thuốc, chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm. Mấy năm gần đây rút xuống còn khoảng 60%, trong đó máy móc phải là tốt nhất, thuốc tốt, thiết bị, vật tư đạt chất lượng cao. Riêng về thuốc, có tới hơn 90% là nhập từ bên ngoài. Mệnh giá bảo hiểm y tế (BHYT) của Việt Nam tính trung bình một người (người dân, người nghèo, người mua bảo hiểm theo hộ) là 1 triệu đồng/người/năm, không bằng 1/10-1/30 của các nước phát triển.
"Muốn giải quyết vấn đề giữ biên chế cho ngành y nói chung, cần tăng thu nhập cho cán bộ, nhiên viên y tế thông qua việc tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế. Nhưng muốn tính đúng, tính đủ thì chỉ có cách là người dân đóng góp, mua BHYT hoặc lấy ngân sách bù vào. Tuy nhiên, người dân thì nghèo, ngân sách thì khó", Phó Thủ tướng bày tỏ.
Đồng thời, Phó Thủ tướng cho rằng về lâu dài, phải giải quyết được nút thắt trong việc tính đúng, tính đủ, có thể mức chưa được như các nước khác nhưng không thể như bây giờ.
"Phải tăng đầu tư ngân sách. Hiện nay, cứ 100 đồng tiền mua BHYT thì có 60 đồng của người dân và 40 đồng của ngân sách nhà nước, cần phải tăng mức này. Không thể nào đòi chữa bệnh như các nước tiên tiến nhất mà giá lại như nước nghèo nhất", Phó Thủ tướng nhấn mạnh. |