Tháo gỡ nguồn lực để gìn giữ và phát huy giá trị di sản

Nhiều vấn đề “nóng” liên quan tới bảo tồn, phát huy giá trị của di sản đã được đưa ra trong hội thảo, hội nghị tổng kết thực hiện Luật Di sản văn hóa do Bộ VH-TT-DL tổ chức ngày 12-1, tại Hà Nội. 
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: VOV
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: VOV

Theo Thanh tra Bộ VH-TT-DL, hiện tượng xâm hại di tích diễn ra ở một số địa phương không chỉ là xây dựng các công trình trái phép trong vùng lõi di tích, di sản, mà lo ngại hơn cả là hiện tượng tượng tôn tạo đình, chùa “chui” phá hủy di tích. Thực tế cho thấy phần lớn vụ việc khi được chính quyền sở tại phát hiện thì các công trình kiến trúc cổ đều đã bị hạ giải, phá hỏng các kiến trúc cổ. Điển hình như đình cổ Quang Húc (Hà Nội), đơn vị thi công tu bổ di tích đã khiến các mảng chạm cổ kính biến mất, thay vào đó là những mảng chạm lạ lẫm; thành nhà Mạc (Tuyên Quang) sau khi trùng tu giống hệt cái lò gạch…

Nguyên nhân được chỉ ra là do việc tổ chức thực hiện dự án chưa bám sát nguyên tắc khoa học về bảo tồn, tôn tạo di tích; chủ đầu tư khảo sát hiện trạng không kỹ, bản vẽ kiến trúc ít tập trung vào chi tiết, nhiều di tích lập thiết kế theo kiến trúc lai tạp; chưa thực hiện triệt để nguyên tắc “giữ gìn tối đa các yếu tố gốc của di tích” nên có dự án chưa lấy vấn đề bảo tồn làm nội dung ưu tiên. Công tác quản lý, hoạt động bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích tại một số địa phương chưa chặt chẽ, một số nơi để xảy ra tự ý tu bổ, sơn thếp di tích không tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng và tu bổ di tích…

Thanh tra bộ cũng chỉ rõ vẫn còn tình trạng buông lỏng quản lý, sự thiếu hiểu biết của chính quyền và người dân ở các địa phương, người trụ trì đền, chùa và đơn vị thi công muốn di tích được “xứng tầm”, hoặc chạy theo lợi nhuận đã dẫn đến vi phạm trong tu bổ di tích. 

Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng cho rằng việc xây dựng Luật Di sản văn hóa cần được nhìn ở 2 góc độ là phải bảo vệ được di tích, di sản nhưng, quan trọng hơn là phải phát huy được giá trị của di sản, di tích đó.

“Không thể chỉ chờ đợi vào ngân sách nhà nước. Cần phân tích đâu là nguồn lực của Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, đâu là nguồn lực có thể xã hội hóa, là nguồn lực của nhân dân. Cần thiết vận động nguồn lực từ người dân địa phương và có cơ chế cho họ để tạo nguồn thu. Hơn hết, điều này cần được luật hóa”.
Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL NGUYỄN VĂN HÙNG

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng đề cập đến nguồn lực để bảo vệ, phát huy giá trị di sản và việc phân cấp quản lý giữa bộ với các địa phương cho phù hợp để đảm bảo chuyển từ cơ quan văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa bằng công cụ pháp luật hiệu quả, sát thực tiễn. Mặt khác, việc sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa phải tương thích với các bộ luật khác để tạo động lực, sức mạnh phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, sửa đổi Luật Di sản Văn hóa cần lấp những khoảng trống đang có, đánh thức người dân ý thức quan trọng về di sản, để di sản là niềm tự hào và người dân tự nguyện tham gia bảo vệ, phát huy.

Tin cùng chuyên mục