Sửa chữa xong, vẫn không được hoạt động
Thời gian qua, nhiều cơ sở kinh doanh karaoke ở khắp các quận, huyện trên địa bàn TPHCM đã đóng cửa, trả mặt bằng dù đã đầu tư hàng tỷ, thậm chí cả chục tỷ đồng để cải tạo, sửa chữa nhưng vẫn chưa được nghiệm thu về PCCC-CNCH.
Cơ sở karaoke Fyou có hơn 30 phòng hát nằm trên mặt tiền đường Ba Tháng Hai (quận 10, TPHCM) đã đóng cửa hơn nửa năm nay vì chưa được nghiệm thu về an toàn PCCC-CNCH. Ông Nguyễn Văn Nam, quản lý chuỗi karaoke Fyou, cho biết, sau khi cơ quan chức năng kiểm tra và yêu cầu khắc phục những vấn đề liên quan đến PCCC-CNCH, DN đã đầu tư hơn 17 tỷ đồng để sửa chữa 2 cơ sở. Cơ sở trên đường Ba Tháng Hai được đầu tư hơn 10 tỷ đồng để cải tạo hệ thống thông gió, bố trí lối thoát hiểm, đóng kín buồng thang, tháo dỡ đồ trang trí bằng vật liệu dễ cháy… Sau khi cơ sở này cải tạo xong, lực lượng chức năng đến kiểm tra, chưa có yêu cầu gì khác nhưng cũng chưa nghiệm thu để cơ sở hoạt động trở lại.
Hệ thống karaoke Fyou đã đầu tư hơn 17 tỷ đồng để sửa chữa nhưng vẫn chưa được nghiệm thu PCCC |
Sau thời gian dài không được đón khách, chuỗi karaoke Fyou đã đóng cửa, trả mặt bằng 2 cơ sở, 2 cơ sở còn lại phải chuyển sang mô hình kinh doanh khác. Theo ông Nam, dù không được hoạt động nhưng DN vẫn phải gánh các khoản phí như tiền thuê mặt bằng, bảo trì thiết bị. Ông mong muốn cơ quan chức năng có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng để cơ sở sớm hoạt động trở lại.
Cùng hoàn cảnh, ông Lê Hoàng Quân (chủ quán karaoke Sinh Đôi, quận 7) có 3 cơ sở karaoke ở quận 7 và quận Gò Vấp thì tất cả các cơ sở này đang bị đình chỉ hoạt động. Trong khi trước đó, cơ sở đã được nghiệm thu về PCCC-CNCH và cũng đã thực hiện theo các yêu cầu của cơ quan PCCC. Đóng cửa suốt 7 tháng qua, cơ sở thiệt hại hơn 3,1 tỷ đồng từ chi phí mặt bằng, bảo trì thiết bị đến trả lãi ngân hàng. Theo ông Quân, DN đã rất nỗ lực đáp ứng yêu cầu về PCCC-CNCH, nhưng quy định pháp luật liên tục thay đổi, có nhiều điều khoản khó thực hiện. Thậm chí, cơ sở khắc phục xong theo yêu cầu của cơ quan chức năng nhưng vẫn chưa được nghiệm thu, cấp phép.
“Nếu tiếp tục đóng cửa thì tôi chỉ cầm cự được khoảng 3 tháng nữa là phá sản. Với tình hình này, không riêng cơ sở của tôi mà hàng trăm DN khác với tổng số vốn đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng sẽ phải rời khỏi thị trường”, ông Quân than thở.
Tìm hướng gỡ khó
Đầu tháng 4-2023, sau cuộc liên hoan tại công ty, anh Nguyễn Văn Hùng cùng nhóm bạn rủ nhau đi hát karaoke, nhưng mấy địa chỉ quen thuộc đều đóng cửa. Nhóm anh Hùng đến một quán karaoke trên đường Võ Thị Sáu (quận 3). Bên ngoài cơ sở đã được rào chắn và chỉ chừa lại một lối đi nhỏ đủ để hai người lách qua. Thấy khách đến, nhân viên quán chạy ra hướng dẫn đưa xe vào một con hẻm bên cạnh, rồi đi vào quán bằng một lối nhỏ. Biết đây là cơ sở đang bị đình chỉ hoạt động nhưng nhóm của anh Hùng vẫn vào hát vì không tìm được quán karaoke nào ở gần đó. Sau khi khách vào, nhân viên quán karaoke đóng kín cửa ra vào.
“Cũng hơi lo về an toàn PCCC nhưng thực tế không biết quán nào được cấp phép, quán nào đang đình chỉ. Nghe nhân viên nói quán đã sửa chữa, cải tạo an toàn rồi thì vào hát thôi”, anh Hùng nói. Anh cho rằng, cơ quan chức năng cần có giải pháp tạo điều kiện cho các cơ sở karaoke đã khắc phục xong vi phạm về an toàn PCCC được hoạt động sớm để phục vụ nhu cầu giải trí của người dân.
Trước những khó khăn của cơ sở karaoke và nhằm giải quyết nhu cầu giải trí của người dân, các cơ quan chức năng đang tìm giải pháp tháo gỡ. Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH (PC07), Công an TPHCM, vừa tổ chức lấy ý kiến các chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke để tổng hợp, kiến nghị điều chỉnh một số nội dung liên quan đến các quy định, quy chuẩn về an toàn PCCC-CNCH. Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TPHCM, thông tin, trong quý 1-2023, Công an TPHCM đã tiếp nhận 82 lượt hồ sơ thẩm duyệt cải tạo về PCCC và đã cấp 125 văn bản nghiệm thu về PCCC đối với các công trình xây dựng mới, cải tạo.
Theo Thiếu tướng Lê Hồng Nam, các quy định, quy chuẩn về PCCC liên tục được cập nhật, bổ sung ngày càng chặt chẽ để đảm bảo tuyệt đối an toàn về PCCC. Điều này dẫn đến những khó khăn nhất định cho các hộ gia đình kinh doanh, cho DN và các tổ chức kinh tế. Công an TPHCM cũng đã tổng hợp các ý kiến của người dân, DN để báo cáo, kiến nghị Bộ Công an đề xuất Chính phủ tháo gỡ khó khăn.
Liên quan đến vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Công điện 220/CĐ-TTg về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác PCCC. Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp Bộ Xây dựng và các bộ, ngành, địa phương rà soát chính sách, pháp luật về PCCC để kịp thời sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung. Cùng với đó, đẩy mạnh cải cách, cắt giảm mạnh thủ tục hành chính trong lĩnh vực PCCC, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; chủ động, kịp thời giải đáp, hướng dẫn đầy đủ, cụ thể chi tiết để DN, người dân khắc phục các vi phạm, thiếu sót về PCCC, từ đó phục vụ có hiệu quả hoạt động đầu tư xây dựng, sản xuất, kinh doanh.