Tháo gỡ khó khăn để nông nghiệp công nghệ cao phát triển

Ngày 11-5, Học viện Cán bộ TPHCM cùng Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) TPHCM tổ chức hội thảo khoa học Mô hình tổ chức bộ máy và hoạt động của Ban Quản lý Khu NNCNC TPHCM.

Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, PGS-TS Nguyễn Tấn Phát, Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM nhấn mạnh, Ban Quản lý Khu NNCNC TPHCM là mô hình quản lý NNCNC đầu tiên trên cả nước được hình thành và trực thuộc UBND TPHCM, hoạt động theo mô hình cơ quan hành chính. Đến nay, qua gần 20 năm hình thành và phát triển, Khu NNCNC TPHCM đã đạt được những thành công nhất định, tuy nhiên, Ban Quản lý vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong tổ chức và hoạt động. Do đó, hội thảo nhằm góp phần tổng kết thực tiễn, tư vấn xây dựng cơ chế, chính sách cũng như mô hình tổ chức và hoạt động của khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong thời gian tới.

Quang cảnh hội thảo

Quang cảnh hội thảo

Các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ những bất cập, vướng mắc trong thực hiện những quy định cụ thể về tổ chức và hoạt động của Khu NNCNC. Đồng thời, thảo luận những vấn đề đặt ra, những giải pháp trong việc hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển NNCNC tại TPHCM.

Theo ông Nguyễn Duy Sơn, Phó Trưởng ban Quản lý Khu NNCNC TPHCM, gần 20 năm hoạt động, Ban Quản lý đã từng bước thực hiện các chức năng cơ bản là hỗ trợ, tác động và dẫn dắt nhằm chuyển đổi nền nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp đô thị. Cùng với đó, quảng bá cách làm NNCNC thông qua các hoạt động ứng dụng, xây dựng mô hình để trình diễn và chuyển giao công nghệ, huấn luyện đào tạo, ươm tạo doanh nghiệp và ươm tạo công nghệ, du lịch tri thức và định hướng nghề nghiệp, đào tạo nghề cho lực lượng lao động hoạt động trong lĩnh vực NNCNC.

Phó Trưởng ban Quản lý Khu NNCNC TPHCM Nguyễn Duy Sơn

Phó Trưởng ban Quản lý Khu NNCNC TPHCM Nguyễn Duy Sơn

Ông Bùi Bá Bổng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT nhấn mạnh, Khu NNCNC của thành phố không chỉ có vai trò lan toả, dẫn dắt nền nông nghiệp phát triển theo xu hướng công nghệ mà còn phải tính toán đến câu chuyện ứng dụng mạnh mẽ công nghệ để tự chủ lương thực, nhất là trong bối cảnh chiến tranh và dịch bệnh như vừa qua, do đó, cần phải được đầu tư xứng tầm.

Về mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động của Ban Quản lý Khu NNCNC, Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM Đinh Minh Hiệp cho biết, theo Luật Công nghệ cao thì Khu NNCNC là khu ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, có nghĩa đây là khu công nghệ, là cơ quan hành chính đặc thù nhưng hiện các cơ quan liên quan vẫn khẳng định đây là đơn vị sự nghiệp công lập. Bởi vì được xác định là đơn vị sự nghiệp công lập nên Khu NNCNC TPHCM đang rất vướng về chức năng quản lý nhà nước, nhất là quản lý đầu tư, quản lý doanh nghiệp, quản lý hạ tầng. Ông Hiệp cho rằng, cần phải kiến nghị để xác định rõ mô hình hoạt động của Ban Quản lý Khu NNCNC.

Đối với các cơ chế chính sách để thúc đẩy NNCNC phát triển, TS Nguyễn Minh Nhựt, Phó Trưởng ban Văn hoá – Xã hội HĐND TPHCM nhận định, phát triển nông nghiệp đô thị ở thành phố được xem là một trong những hướng đi có tính khả thi cao để giải quyết các bất cập liên quan trong tiến trình đô thị hoá. Mặc dù Thành phố đã có nhiều giải pháp tích cực để phát huy nội lực của ngành nông nghiệp đô thị và có nhiều chính sách để tháo gỡ, song vẫn còn nhiều vướng mắc.

TS Nguyễn Minh Nhựt, Phó Trưởng ban Văn hoá – Xã hội HĐND TPHCM

TS Nguyễn Minh Nhựt, Phó Trưởng ban Văn hoá – Xã hội HĐND TPHCM

Nhấn mạnh đến một số khó khăn trong phát triển NNCNC ở TPHCM, theo TS Nguyễn Minh Nhựt, đó là nền NNCNC của Thành phố đã dần chuyển dịch từ cây trồng chính là lúa sang nông nghiệp đô thị với hoa, cây cảnh, cá cảnh, rau an toàn, bò sữa... Nhiều sản phẩm thành công nhưng chưa mạnh dạn liên kết phát triển du lịch tại chỗ để gia tăng giá trị cộng thêm.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp thành phố cũng gặp khó khăn do quá trình đô thị hoá diễn ra nhanh, đất nông nghiệp bị chia cắt manh mún. Sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ là trở ngại lớn cho phát triển NNCNC và gây tâm lý ngại đầu tư cho sản xuất nông nghiệp do đất đai không ổn định vì nằm trong quy hoạch hoặc do bổ sung quy hoạch để thực hiện các dự án. Việc xây dựng công trình phụ trợ phục vụ sản xuất nông nghiệp đô thị công nghệ cao trên đất sản xuất nông nghiệp đang gặp khó khăn do vướng các quy định. Tiến độ triển khai dự án Khu NNCNC cũng còn chậm. Việc đầu tư cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi vốn lớn, nhân lực cao cũng là trở ngại.

Do đó, TPHCM cần quản lý sử dụng tối ưu đất nông nghiệp trong tương lai, trong đó, tiếp tục tập trung chuyển đổi đất trồng lúa, mía hiệu quả thấp sang phát triển các cây trồng, vật nuôi theo hướng NNCNC; đẩy nhanh tiến độ hướng dẫn việc xây dựng công trình phụ trợ phục vụ sản xuất nông nghiệp đô thị công nghệ cao; khuyến khích người dân ký hợp đồng cho thuê hoặc góp đất với các hợp tác xã, doanh nghiệp. Song song đó, mở rộng sản phẩm du lịch, hỗ trợ, định hướng các cơ sở, điểm du lịch tạo ra sản phẩm du lịch đa dạng…

Tại hội thảo, TS Nguyễn Thị Thu Hoà, Khoa Chính trị - Hành chính ĐHQG TPHCM đã chia sẻ các mô hình nông nghiệp tại một số quốc gia trên thế giới và những giá trị tham khảo cho việc xây dựng mô hình hoạt động cho khu NNCNC TPHCM. Theo TS Nguyễn Thị Thu Hoà, ngoài việc thực hiện hoạt động nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ vào lĩnh vực nông nghiệp, khu NNCNC TPHCM cần đầu tư xây dựng cảnh quan, hướng đến thoả mãn nhu cầu tinh thần cho cộng đồng khu sử dụng sản phẩm đạt chất lượng, an toàn cho sức khoẻ. Cần có chính sách hỗ trợ của nhà nước để phát triển Khu NNCNC. Trong đó, ngoài cấp hoàn toàn kinh phí hoạt động cho khối quản lý hành chính bằng ngân sách nhà nước, cần quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý đối với các đơn vị trực thuộc...

Tin cùng chuyên mục