Tháo gỡ khó khăn cho xuất nhập khẩu

Nhiều mặt hàng chủ lực xuất khẩu sụt giảm rất mạnh về kim ngạch, nhiều doanh nghiệp đang mất ăn mất ngủ vì không kiếm được đơn hàng mới.

Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, trong 2 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản chỉ ước đạt 11,99 tỷ USD, giảm 16,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, cả xuất khẩu và nhập khẩu cùng giảm. Riêng trong tháng 2-2023, bên cạnh một vài mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch tăng như chè, rau quả, sắn (mì) nhưng trị giá thấp, thì đa số là mặt hàng sụt giảm về kim ngạch xuất khẩu, như: cà phê giảm 14,6%; cao su giảm 23,1%; gạo giảm 10,8%; hạt điều giảm 14,3%… Thậm chí các sản phẩm chủ lực như cá tra giảm tới 64,1%; tôm giảm 54,9%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 34,8%; mây, tre, cói thảm giảm 39,8%…

Công ty cổ phần Thủy hải sản Sài Gòn APT tại Khu công nghiệp Tân Tạo. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Công ty cổ phần Thủy hải sản Sài Gòn APT tại Khu công nghiệp Tân Tạo. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Như vậy, chịu ảnh hưởng nặng nhất là các ngành hàng thủy sản, lâm nghiệp. Theo báo cáo cập nhật của Tổng cục Hải quan, không riêng nông sản mà các loại hàng hóa nói chung trong 2 tháng đầu năm nay đều sụt giảm mạnh về giá trị xuất nhập khẩu, dẫn đến số thu ngân sách nhà nước từ các mặt hàng xuất nhập khẩu chịu thuế giảm tới 19,37% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo các chuyên gia, hiện xuất khẩu và nhập khẩu đều sụt giảm, thiếu vắng các đơn hàng xuất khẩu, cộng thêm xu hướng giảm giá hàng hóa đã khiến hoạt động thương mại của nước ta chậm lại trong những tháng đầu năm 2023. Do đó, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã chỉ đạo tăng cường tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại hàng tháng để cung cấp thông tin thị trường và tìm giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Bộ Công thương sẽ tập trung phát triển thị trường, nhất là khu vực Bắc Âu, Đông Âu, Mỹ Latinh… và các thị trường mới còn nhiều dư địa khai thác. Cơ quan này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các FTA đã ký kết để khai thác hiệu quả các thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu… Đồng thời, thúc đẩy đàm phán các hiệp định mới như FTA với các nước khối Mercosur (Brazil, Argentina, Uruguay, Paraguay) để đưa FTA này thành động lực khai thác thị trường Mỹ Latinh. Tranh thủ sự hồi phục nhanh của các thị trường khu vực ASEAN và một số nước châu Á để đẩy mạnh xuất khẩu. Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT cũng sẽ đánh giá toàn diện các biện pháp mở cửa trở lại của Trung Quốc khi kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc bất ngờ vượt lên Hoa Kỳ trong 2 tháng đầu năm nay.

Bộ NN-PTNT cũng cho biết đang chuẩn bị tổ chức đoàn công tác làm việc với Hải quan Nam Ninh, Vân Nam của Trung Quốc để kết nối, xúc tiến thương mại, cập nhật, tháo gỡ các vướng mắc trong xuất khẩu nông lâm thủy sản. Đồng thời, chuẩn bị tổ chức Diễn đàn xuất khẩu rau quả trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế lần 5 chuyên ngành công nghệ sản xuất và chế biến rau hoa quả Việt Nam trong tháng 3-2023, trình Chính phủ đề xuất xây dựng Nghị định quản lý thương hiệu nông sản quốc gia Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục