Chiều 21-12, Học viện Cán bộ TPHCM phối hợp Trường Đại học Kinh tế - Luật tổ chức tọa đàm khoa học Cơ chế thí điểm cho TPHCM để thu hút nguồn lực đầu tư phát triển, thúc đẩy xã hội hoá trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo (GD-ĐT).
Tại tọa đàm, các đại biểu cho rằng Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM dành nhiều sự tập trung vào việc mở cơ chế thu hút đầu tư và xã hội hóa trong lĩnh vực GD-ĐT.
Dù vậy, để đạt được những mục tiêu kỳ vọng, việc triển khai nghị quyết cần liên tục tìm giải pháp vượt qua các những thách thức dự kiến xuất hiện trong quá trình triển khai, như huy động và quản lý nguồn lực, phối hợp giữa các bên liên quan.
Theo ông Lê Thái Thường Quân, Trường Đại học Mở TPHCM, thành phố có thể vận dụng Nghị quyết 98 để hình thành các chính sách giáo dục. “Hiện nay, đột phá huy động nguồn lực chuyên gia từ nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục vẫn chưa hiệu quả bởi việc xin giấy phép gặp vướng mắc. Nếu xin tại TPHCM sẽ rất nhanh nhưng ngược lại các trường thuộc Bộ GD-ĐT vẫn phải xin lòng vòng nhiều ngành. Do đó, TPHCM nên có những kiến nghị thay đổi về việc này dựa trên cơ sở các cơ chế, chính sách của Nghị quyết 98”, ông Lê Thái Thường Quân góp ý. Theo ông, hiện các trường đại học cũng mong TPHCM có thể hỗ trợ được tham gia vào các chính sách trong bối cảnh hiện nay.
Trong những năm qua, TPHCM rất quan tâm đầu tư phát triển giáo dục và đã đạt được những thành tựu nhất định. Tuy nhiên, giáo dục tại thành phố vẫn đang phải đối diện với những vấn đề và thách thức. Đó là, ngoài khó khăn về nhân lực, giáo dục tại TPHCM còn đối diện với áp lực chất lượng giáo dục giữa các trường; thách thức về tài chính trong đầu tư cơ sở vật chất; đổi mới giáo dục. Trong khi đó, số trường vẫn mang tư duy giáo dục truyền thống vẫn chiếm số lượng nhiều hơn so với các trường có ý thức tham khảo nhu cầu giáo dục từ các bên liên quan.
Các đại biểu cho rằng, Nghị quyết 98 mở ra nhiều cơ chế chính sách sâu rộng, toàn diện hơn từ trước đến nay, được xem như “chìa khóa” tháo gỡ khó khăn để giáo dục phát triển toàn diện. Để đạt được những mục tiêu đó, phải có giải pháp để trong quá trình triển khai nghị quyết có thể vượt qua những thách thức có thể xuất hiện.
Theo TS Bùi Ngọc Hiền, Học viện Cán bộ TPHCM, Nghị quyết 98 mở ra các định mức đầu tư cho giáo dục. “Từ Nghị quyết 54 đến Nghị quyết 98, nhiều ý kiến cho rằng 2 nghị quyết cài đặt cơ chế ưu tiên này cho thành phố. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn có thể xung đột giữa các luật. Trách nhiệm xử lý thuộc các bộ, ngành, song đây cũng là vấn đề cần đặt ra. Tức là xử lý xung đột pháp lý, cơ chế kiến nghị phải như thế nào”, TS Bùi Ngọc Hiền đặt vấn đề.
Bên cạnh đó, cũng phải thay đổi tư duy trong thực hiện quan hệ đối tác công - tư, khác với cơ chế xin cho, khác thương mại hóa. Việc xây dựng cơ chế quản trị các nguồn lực phải thông thoáng “vì có tiền chưa chắc đã chi được”. TS Bùi Ngọc Hiền cũng nhìn nhận, phải chặt chẽ để đảm bảo dự liệu, đưa ra quy định cảnh báo, kiểm soát, tránh làm méo mó từ khóa “thí điểm”. Cơ chế phải rõ ràng, mạch lạc, không biến tướng, đặc biệt kiểm soát được sai lệch.
Nêu ý kiến tại tọa đàm, nhiều nhà quản lý giáo dục nhận định, Nghị quyết 98 dành nhiều sự tập trung vào việc mở cơ chế thu hút đầu tư và xã hội hóa trong lĩnh vực GD-ĐT. Đặc biệt, Nghị quyết 98 mở ra cơ hội cho cả cộng đồng, từ doanh nghiệp đến cá nhân, đóng góp vào sự phát triển của GD-ĐT và nghiên cứu, đồng thời hứa hẹn thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội bền vững. Đặc biệt, nghị quyết thể hiện rất rõ tinh thần hợp tác giữa hai khu vực công - tư trong đầu tư phát triển GD-ĐT và mở rộng đến hoạt động nghiên cứu và phát triển sản phẩm.