Vay vốn - phao cứu sinh của doanh nghiệp
Từ khi đầu tư hệ thống máy móc thiết bị thuộc dây chuyền phản ứng nguyên liệu gốc vào giữa năm 2022 đến nay, hoạt động sản xuất của Công ty TNHH Sản xuất keo dán vải nhám Bá Lộc (Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu) tăng lên 60-70% và doanh thu tăng lên 30-40%.
Ông Nguyễn Thanh Phước, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất keo dán vải nhám Bá Lộc cho biết, nhờ nguồn vốn vay 3 tỷ đồng tại Quỹ Đầu tư phát triển TP Đà Nẵng, không chỉ có máy móc công ty còn đầu tư thêm hệ thống phòng cháy, chữa cháy theo quy chuẩn mới, nhờ vậy mà người lao động yên tâm làm việc.
“Nguồn vốn vay tại Quỹ Đầu tư phát triển là “chiếc phao” cho doanh nghiệp bởi thực tế hiện nay, có thể thấy, việc vay vốn tại các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại rất khó khăn. Đặc biệt lãi suất 6,5%/năm tại quỹ là rất ưu đãi cho doanh nghiệp
Hiện, chúng tôi đang trong quá trình xét duyệt hỗ trợ 50% lãi suất theo Nghị quyết số 60/2021/NQ-HĐND ngày 17-12-2021 của HĐND TP Đà Nẵng về quy định hỗ trợ lãi suất đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn tại Quỹ Đầu tư phát triển TP Đà Nẵng”, ông Phước nói.
Doanh nghiệp trao đổi thông tin tại một hội nghị ở Đà Nẵng |
Dịp Tết này cũng là thời điểm 2 hồ cá trê với khoảng 70.000 con (tương đương 16 tấn) của ông Đinh Ngọc Phương (thôn Phú Sơn 2, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang) tới thời điểm xuất bán. Số cá trê này nếu được bán ra sẽ mang lại cho ông Phương lợi nhuận 170 triệu đồng.
Ngoài ra, ông Phương đang tiếp tục nuôi thêm 1 hồ cá trê giống khoảng 20.000 con và 1 hồ cá ba sa để gối đầu sản xuất. Có được kết quả trên là do ông Phương mạnh dạn vay Ngân hàng chính sách xã hội huyện Hòa Vang 300 triệu đồng cho 3 lao động trong gia đình từ chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.
Ông Phương cho biết, từ khi liên hệ được đầu mối tiêu thụ cá trê tại các tỉnh như Thừa Thiên Huế, Gia Lai…, ông đã mạnh dạn vay vốn để sản xuất. Nguồn vốn vay tại ngân hàng chính sách xã hội cùng với số vốn sẵn có, ông đầu tư mua nguyên liệu, thức ăn, con giống, xe tải chở hàng trị giá 300 triệu đồng.
“Tôi cũng rất phấn khởi khi được hỗ trợ lãi suất vay vốn tại Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội Đà Nẵng trong 2 năm 2022 và 2023 chỉ còn 5,92%/năm. Nếu tình hình sản xuất, chăn nuôi ổn định thì dự kiến doanh thu từ việc nuôi cá trê là 800 triệu đồng/năm, trong đó lợi nhuận khoảng 300-350 triệu đồng”, ông Phương chia sẻ.
Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
Ông Trần Văn Vũ, Cục trưởng Cục thống kê Đà Nẵng thông tin, hiện nay có nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đang gặp khó khăn về đơn hàng phải giảm giờ làm, giảm công nhân,...
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp công nghiệp chế biến chế tạo cho thấy có tới 42,9% doanh nghiệp đánh giá sản xuất kinh doanh quý IV-2022 khó khăn hơn quý trước, 30% doanh nghiệp hoạt động ổn định, chỉ có 27,1% cho rằng tình hình tốt hơn. Dự báo năm 2023 tình hình thế giới vẫn có nhiều bất ổn, các tổ chức quốc tế nhận định nền kinh tế toàn cầu tiếp tục đối mặt với những thách thức ngày càng lớn.
Ông Trần Văn Vũ, Cục trưởng Cục Thống kê TP Đà Nẵng thông tin tình hình doanh nghiệp |
Vì vậy, đơn vị này đã đề xuất nhiều giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội như tăng cường hoạt động thương mại, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, mở rộng mạng lưới vận tải,... Cùng với đó là triển khai các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận chính sách hỗ trợ vốn vay, đất đai, cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định 31).
Trong bối cảnh khó khăn chung do ảnh hưởng của kinh tế thế giới, Chính phủ đã có nhiều chính sách chia sẻ, hỗ trợ khó khăn để doanh nghiệp phục hồi. Điển hình như chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị định 15 của Chính phủ, ngành thuế Đà Nẵng đã giảm thu cho doanh nghiệp, người dân 350 tỷ đồng trong năm nay. Nghị định 52 của Chính phủ gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021.
Hoạt động tại bộ phận một cửa, Chi cục thuế khu vực Cẩm Lệ - Hòa Vang |
Ông Phạm Đức Thường, Cục trưởng Cục thuế TP Đà Nẵng cho biết, chính sách được cộng đồng người nộp thuế đánh giá rất hiệu quả, tạo nguồn vốn, giảm chi phí cho doanh nghiệp. Ví dụ chính sách gia hạn nộp thuế thì tạo nguồn lực tài chính, giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về dòng tiền để ổn định, duy trì và phát triển sản xuất. Đặc biệt chính sách giảm thuế VAT, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay, xăng dầu mỡ nhờn…
Đối với việc thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31, hiện tại cộng đồng doanh nghiệp cho rằng vẫn còn nhiều quy định gây khó khăn trong việc tiếp cận. Vì vậy rất khó để hưởng ưu đãi, mặc dù nguồn kinh phí cho vấn đề này là khá lớn và mang hiệu quả tích cực.
Đề cập vấn đề này, ông Trần Trọng Nghĩa, Đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đà Nẵng cho hay hiện tại đã hỗ trợ được 61 đơn vị là các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã... với số tiền là hơn 651 triệu đồng. Hiện tại, dư nợ là hơn 576 tỷ đồng và chương trình này sẽ hỗ trợ đến hết năm 2023.
Hiện có nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP Đà Nẵng đang gặp khó khăn về đơn hàng phải giảm giờ làm, giảm công nhân |
“Nguyên nhân chính dẫn đến việc khó tiếp cận chương trình hỗ trợ lãi suất là vì gặp khó khăn trong điều kiện đánh giá được khả năng phục hồi của doanh nghiệp sau khi được hỗ trợ. Đây là một chỉ tiêu khó tính, hơi mơ hồ nên trở ngại này đã khiến doanh nghiệp khó tiếp cận. Chính phủ cùng với các bộ, ngành cũng đang xem xét rà soát, chỉnh sửa để thuận lợi hơn”, ông Nghĩa thông tin.